Mẹ bỉm sữa Việt ở Mỹ đa tài ngày đi làm nails đêm thức chăm con, thu nhập gần 6 tỷ đồng/ năm
Thời điểm có bầu cũng là lúc Di An xây dựng sự nghiệp nơi đất khách quê người. Suốt 6 tháng trời sau sinh, chị phải nỗ lực hết sức mình ngày đi làm đêm lại về chăm con để đảm bảo công việc và việc chăm con.
“Ý chí của phụ nữ là mạnh mẽ nhất. Khi hoàn cảnh ập đến, họ sẽ tự sắp xếp được tất cả”, đó là những chia sẻ của chị Dy An khi tự đúc kết về những khó khăn mà mình đã vượt qua trên đất Mỹ.
Người ta vẫn thường vẽ ra bức tranh màu hồng cho những cô nàng lấy chồng Tây nhưng đối với Dy An, để có cuộc sống màu hồng đó là cả một sự nỗ lực không ngừng, những giọt nước mắt vì tủithân nơi đất khách quê người, những ngày đi làm tối về chăm con đến kiệt sức.
Và nhờ những tháng ngày đó đã tôi luyện ý chí, sự độc lập, tự chủ trong chị để từ cô gái chân ướt chân ráo sang Mỹ có một tổ ấm nhỏ hạnh phúc với công việc tốt trong lĩnh vực làm đẹp và những kế hoạch, hoài bão của riêng mình.
Dy An (33 tuổi, ở Sài Gòn) có cuộc tình đẹp với chàng lính hải quân Mỹ Darell. Sau 2 năm yêu với thử thách 3 tháng Darell về Việt Nam một lần thăm chị, vào tháng 9/2007, Dy An đã chính thức chấp nhận lời cầu hôn và trở thành vợ của anh.
Đến nay, 11 năm lấy chồng sang Mỹ, Dy An mỉm cười hạnh phúc khi nói về gia đình, cuộc sống ổn định và bình yên của mình. Nhớ lại những ngày đầu mới sang, Dy An tâm sự, chị phải mất một năm để làm quen với ngôn ngữ và lái xe hòa nhập với cuộc sống, trở thành người “bản xứ” ở đây. Đã không biết bao nhiêu giọt nước mắt rơi vì tủi thân nơi đất khách quê người nhưng chị vẫn mạnh mẽ gạt đi và cố gắng phấn đấu.
Và rồi, một tấm bằng đại học ngành kế toán của trường University Of Phoenix, chủ một tiệm Nails, là người đứng đầu đào tạo, quản lý, đại sứ thương hiệu cho American Beauty Gel & Apple Nail System và một gia đình nhỏ hạnh phúc là những gì Dy An đã nỗ lực để có được suốt 11 năm qua.
Nói về việc khởi nghiệp bằng nghề nails, Dy An cho biết đó là cái duyên của chị. Nếu như ban đầu làm nghề chỉ với mục đích kiếm tiền nhanh trang trải cuộc sống và đóng học phí đại học thì càng đi sâu chị lại càng yêu thích nó.
Tuy nhiên để đứng vững được với nghề chị cũng gặp không ít những khó khăn. “Nghề này cần sự tỉ mỉ và kỹ thuật mà kỹ thuật thì không ai có thể dạy mình ngoài thời gian và luyện tập. Lúc mới vào nghề mình gặp khó khăn vô cùng vì chưa có group hay những người trong ngành chia sẻ, phải tự học hỏi, tìm tòi.
Có lần mình muốn hỏi một kiểu nails nhắn tin cho người ta mà không được hồi âm cũng buồn lắm. Đi làm thuê cho người ta lúc mới có bằng, chủ vui thì cười còn giận ai thì khó chịu với mình. Có hôm mình chạy xe một mình mà khóc cả quãng đường vì tủi thân nơi đất khách quê người. Khó khăn nhiều không sao kể hết nhưng nhờ nó mà mình có ngày hôm nay cũng đáng giá lắm”, Dy An kể.
Sau khi học, thi chứng chỉ hành nghề xong, chị mở một cửa hàng nails vào năm 2011. Mặc dù tiệm nails của chị không lớn nhưng được khách tin tưởng, chỉ làm 5 ngày/tuần nhưng bản thân chị cũng kiếm được 6 nghìn đô/tuần (khoảng 140 triệu), thu nhập còn cao hơn cả lương bác sĩ và kỹ sư của Mỹ. Mỗi năm tiệm mang đến cho chị nguồn thu ổn định khoảng 250 nghìn đô (khoảng 5,8 tỷ).
Hiện nay, mặc dù đã chuyển nhượng tiệm nails cho nhân viên cũ vì sang thành phố khác sinh sống nhưng chị vẫn đang có một công việc tốt là người đứng đầu đào tạo, quản lý, đại sứ thương hiệu cho một công ty bột có tiếng ở Mỹ, một shop online bán đồ nails và một studio được xây dựng sắp tới.
Đặc biệt, chị đã nâng nghề làm móng cấp thấp trong xã hội lên trở thành một nghệ thuật và trở thành một “nghệ sĩ nails” được nhiều người biết đến. Ngày đi làm đêm thức chăm con muốn kiệt sức mà vẫn không ngại. Dy An cho biết, ở thời điểm xây dựng sự nghiệp cũng là lúc chị có thai nên khó khăn càng nhân lên gấp đôi. Tuy nhiên, đó cũng là lúc hoàn tất giấy tờ bảo lãnh cho mẹ qua Mỹ nên chị được sự giúp đỡ lớn của mẹ đẻ. Chính vì vậy, sự thành công của chị ngày hôm nay có sự góp sức, hỗ trợ rất lớn của mẹ.
Năm 2014, vợ chồng chị hạnh phúc chào đón bé Dev Saxton chào đời. Lần đầu làm mẹ mặc dù bỡ ngỡ nhưng được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các bác sĩ chỉ cách cho con bú và có nhiều sữa, chị cũng đã đủ dành cho con những điều tốt nhất bằng bầu sữa mẹ của mình.
Nhớ lại những ngày đầu mới sinh con, chị cảm thấy mình thật mạnh mẽ, dù có bất cứ hoàn cảnh nào xảy đến cũng sắp xếp được tất cả.
Vì muốn dành cho con nguồn sữa mẹ tốt nhất trong 6 tháng đầu sau sinh nên dù bận rộn với công việc của tiệm nails chị vẫn cố gắng để cho con được bú sữa mẹ hoàn toàn.
Thời điểm cực nhất đó, cứ ngày đi làm chị lại tranh thủ vắt sữa cho con bú bình, tối về lại thức chăm con, cho con bú. 6 tháng trời không ngủ được vì chăm con đến kiệt sức nhưng bản năng làm mẹ khiến chị đã vượt qua tất cả.
“Mình sinh con khi mang bầu gần 8 tháng. Nằm sinh ở bệnh viện 12 tiếng, bác sĩ phải cho mổ. Mình bị sốc thuốc vì truyền nhiều thuốc mà cơ thể nhỏ, bị tắc thở. Lần cuối mình nghe được tiếng người nói mà không nói mà không trả lời được, không nhúc nhích được.
Khi tỉnh dậy nhìn xung quanh mình tưởng đang ở thiên đường, cô ý tá nói vẫn còn sống thì điều đầu tiên mình hỏi về con thế nào. Bị kiệt sức quá lâu 2 ngày sau mình mới được gặp con. Con nằm phòng kính nhỏ xíu, dây dợ gắn vô người mình chỉ muốn ôm con vào lòng. Mình từng sảy thai một lần trước đó nên mình luôn muốn dành điều tốt nhất cho con. Hồi đầu cực lắm, ngày đi làm, đêm thức để chăm con.
Nhà không có ai chăm nhiều lúc mình chăm con đến kiệt sức nhưng không hiểu sao vẫn muốn chăm con, vắt sữa cho con vì sữa mẹ tốt nhất. Thế rồi 6 tháng đầu cực nhất cũng trôi qua”, Dy An kể. Dạy con sống tự lập, không ép học để con sống đúng tuổi thơ
Mặc dù công việc bận rộn nhưng chị vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian để dành cho con nhiều nhất có thể. Ông xã chị cũng vậy, cả 2 đều cố gắng sắp xếp cho con học thể thao, đưa con đến trường và dành thời gian cả nhà bên nhau. Thậm chí, nhiều khi công việc chồng chất, chị vẫn bỏ hết để đưa con đi chơi rồi tối đến khi cả nhà ngủ lại bắt đầu với những công việc.
Gần 5 năm qua, kể từ khi chàng trai Dev Saxton chào đời, chị vẫn luôn cố gắng như vậy để dành những điều tốt nhất cho con.
Đối với chị, trong vấn đề dạy con điều quan trọng nhất là làm sao để con biết luôn có bố mẹ ủng hộ và làm tất cả vì con. Bên cạnh sự ủng hộ đó, chị vẫn răn đe con theo chuẩn mực và giúp con hiểu đúng sai.
“Mình dạy con hơi hướng ngoại một chút là dạy con tự lập. Từ bé con đã tự ăn, tự làm rất nhiều thứ.
Lâu lâu mẹ mình vẫn chăm con theo cách người xưa nhưng để so sánh giữa bé và một bé ở Việt Nam thì bé nhà mình hoàn toàn tự lập, làm cho bé thói quen không phụ thuộc.
Từ nhỏ, con bắt đầu biết đi, mình và ông xã đã dạy con phụ việc nhà từ những viêc nhỏ nhất như cho rác vào thùng, ăn cơm xong bưng chén vào bếp, tự dọn đồ chơi vào đúng chỗ, phụ bà ngoại bỏ đồ vào máy giặt,…
Ngay từ bé con đã không phụ thuộc hay mè nheo bố mẹ như những đứa trẻ khác. Mẹ đi làm con ở nhà chơi vui không đòi mẹ hay khóc nhè.
Mình luôn nghiêm khắc với con từ việc nhà đến đối xử với người khác. Con cần gì sẽ tự làm, từ đó tương lai con sẽ phấn đấu cho chính mình, không phụ thuộc vào ai”, Dy An chia sẻ cách dạy con của mình.
Đồng thời, Dy An cho biết, khi con đi học mẫu giáo, chị không ép uổng con học nhiều mà để con sống đúng với tuổi thơ.
Chị khuyến khích, tập trung cho con học võ, đá banh và những môn thể thao không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp con giảm sự hiếu động, phá phách ở nhà.
Mặc dù, bé Dev Saxton là con một được bao bọc nhưng với sự giáo dục kỹ lưỡng của gia đình, chị tin con sẽ trở thành một công dân tốt. Chị và chồng sẽ cùng nắm tay nhau nuôi con khôn lớn, thành đạt.