Mỏ đất hiếm đầu tiên của Canada bắt đầu xuất khẩu khoáng chất

“Canada và các nước đồng minh đang tránh khỏi lệ thuộc vào nguồn cung ứng đất hiếm từ Trung Quốc”

Người bản địa thuộc bộ tộc Yellowknives Dene First Nation quan sát quặng bastnaesite đầu tiên khai thác được vào ngày 21/7/2021 tại Dự án Nechalacho của Cheetah Resources gần Yellowknife. (Ảnh: Cheetah Resources/billbradenphoto/CP)

Mỏ đất hiếm đầu tiên của Canada bắt đầu xuất khẩu quặng cô đặc, mở đầu thời kỳ Canada cung ứng cho thế giới các khoáng chất quan trọng cho nền kinh tế có mục tiêu bảo vệ môi trường.

“Canada và các nước đồng minh đang tránh khỏi lệ thuộc vào nguồn cung ứng đất hiếm từ Trung Quốc,” David Connelly thuộc Cheetah Resources Corp., công ty sở hữu mỏ Nechalacho nằm ở phía nam Yellowknife, nói.

Đất hiếm là những nguyên tố như ytterbium, lanthanum, gadolinium… có tầm quan trọng rất lớn cho computer, màn hình LED, tua-bin gió, xe điện và nhiều sản phẩm thiết yếu khác cho một nền kinh tế có mức carbon thấp.

Một số nhà phân tích trong ngành dự đoán thị trường đất hiếm sẽ tăng từ 6.8 tỷ đô vào năm 2021 lên tới hơn 12 tỷ đô vào năm 2026.

Gần 60% nguồn cung những nguyên liệu trọng yếu này của thế giới được sản xuất tại Trung Quốc và phần lớn nguồn cung còn lại thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc. Cho tới nay.

“(Nechalacho) là mỏ đất hiếm duy nhất ở Bắc Mỹ không cung cấp cho Trung Quốc,” Connelly nói.

Mỏ này có 15 nguyên tố đất hiếm khác nhau, được phát hiện vào năm 1983. Đề xuất dự án phát triển mỏ đã được nộp cho các cơ quan quản lý nhà nước cách đây hơn mười năm.

Cơ quan quản lý môi trường của Northwest Territories (Lãnh thổ Tây Bắc) đã phê duyệt dự án, nhưng lưu ý rằng dự án sẽ gây ra nhiều tác động cần phải được giảm thiểu.

Mỏ mới không dùng nước. Thay vì vậy, quặng thô sẽ được nghiền thành hạt nhỏ và chạy qua một máy cảm biến để tách thạch anh trắng ra khỏi quặng đất hiếm nặng hơn và đặc hơn nhiều.

Quặng cô đặc sau đó được vận chuyển qua Hồ Great Slave tới Sông Hay, N.W.T. Từ đó, nó sẽ được vận chuyển bằng đường xe lửa tới Saskatoon, nơi Vital Metals, công ty sở hữu Cheetah, đã xây dựng một cơ sở để tinh chế quặng cô đặc cho thị trường. Đây cũng là nơi chính quyền tỉnh bang đang phát triển một trung tâm nghiên cứu và tinh chế đất hiếm. Những chuyến hàng đầu tiên đã lên đường và dự kiến được giao vào tháng 6.

Sản phẩm tinh chế của Nechalacho sẽ được vận chuyển tới khách hàng ở Na Uy, nơi các khoáng chất khác nhau được tách biệt và chế biến thành các thỏi kim loại.

Nechalacho hy vọng tới năm 2025 sẽ sản xuất 25 ngàn tấn quặng cô đặc mỗi năm. Connelly cho biết có đủ quặng để sản xuất cho mấy chục năm sắp tới.

Connelly cho biết khi hoạt động trọn công suất, mỏ này sẽ có khoảng 150 nhân công ở N.W.T. và 40 người ở Saskatoon. Đó không phải là những con số lớn trong ngành khai khoáng, nhưng Connelly cho biết số việc làm đó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn cho nền kinh tế phương bắc vì hầu hết công nhân sẽ làm việc ở đó.

Connelly cho biết hơn 40 trong số 50 nhân công hiện tại của mỏ sống ở miền Bắc. Khoảng 70% là người bản địa và Cheetah đã ký hợp đồng với bộ tộc Yellowknives Dene First Nation để tiến hành khai khoáng thực tế tại địa điểm này.

Connelly nói rằng Cheetah hy vọng sẽ có thỏa thuận chia sẻ cổ phần cho các nhóm bản địa trong vùng.

Nhưng Nechalacho không chỉ quan trọng đối với Northwest Territories, theo Connelly.

Ông cho rằng nguồn cung nội địa của các khoáng chất thiết yếu cho động cơ điện sẽ giúp duy trì ngành sản xuất xe của Canada. Điều này sẽ giúp Canada dễ dàng hơn trong việc đạt được các mục tiêu về khí hậu và tăng cường an ninh quốc gia với nguồn nguyên liệu quan trọng được bảo đảm.

Canada có 13 dự án đất hiếm đang hoạt động, theo chính phủ liên bang. Phần lớn là ở Saskatchewan và Quebec, nơi có mỏ duy nhất khác đang hoạt động – dự án Kipawa của cùng công ty Úc sở hữu Cheetah.

“Canada có trữ lượng và tài nguyên (được đo lường và phát hiện) đất hiếm được biết đến thuộc hàng lớn nhất trên thế giới,” tài liệu của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Canada viết.