Nguy cơ khi Mỹ – Trung đóng băng đối thoại

Đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc gần như đóng băng, khiến hai nước ngày càng xa rời, làm tăng nguy cơ xung đột bất ngờ biến thành khủng hoảng.

Quan hệ Mỹ – Trung xấu đi nghiêm trọng vào năm 2020, khi chính quyền tổng thống Donald Trump bác bỏ mạnh mẽ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, tăng cường các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong khu vực, đồng thời ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.

Đáp lại, quân đội Trung Quốc (PLA) đã nâng cao trạng thái sẵn sàng chiến đấu và triển khai hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn, châm ngòi cho những lo ngại về nguy cơ nổ ra đụng độ bất ngờ giữa hai bên. Khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, cuộc khủng hoảng đã được ngăn chặn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng như giới chức Mỹ gần đây cho rằng Washington và Bắc Kinh hiện nay thậm chí còn đối mặt với nguy cơ tính toán sai lầm hay va chạm bất ngờ vượt tầm kiểm soát cao hơn nhiều so với năm 2001, khi một chiến đấu cơ Trung Quốc va quệt với máy bay do thám Mỹ trên bầu trời gần đảo Hải Nam.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn hình) họp thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn hình) họp thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: AFP.

“Nguy cơ leo thang hiện nay lớn hơn đáng kể so với năm 2001”, Amanda Hsiao, nhà phân tích từ Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, trụ sở ở Brussels, Bỉ, nhận xét. “Cách đây 21 năm, chúng ta đã chứng kiến một giai đoạn bế tắc và căng thẳng chính trị trong khoảng 11 ngày trước khi hai bên đạt được đột phá. Nếu chuyện như vậy xảy ra hôm nay, Mỹ và Trung Quốc sẽ phải mất nhiều hơn 11 ngày để giải quyết”.

Tác động từ những sự cố như vậy hiện nay cũng lớn hơn nhiều so với trước đây, khi Trung Quốc những năm qua đã đạt được tiến bộ mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị lẫn quân sự, khiến vị thế của nước này trên trường quốc tế không ngừng tăng lên, Hsiao nhận định.

Khả năng xảy ra xung đột ngoài ý muốn giữa hai siêu cường vẫn còn tương đối thấp, song rủi ro đang tăng lên, khi cơ chế liên lạc và quản lý khủng hoảng giữa hai nước gần như đóng băng, trong lúc nhiều tàu chiến, máy bay, tàu ngầm hơn đang hiện diện xung quanh Trung Quốc, theo giới quan sát. Bên cạnh đó, những khác biệt khó khỏa lấp về ý thức hệ càng khiến cơ hội thỏa hiệp trở nên khó khăn hơn.

“Rủi ro tăng lên vì mỗi bên đều cho rằng đối phương đang có ý đồ xấu”, Michael Green, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết. “Hai bên đều rất khó có thể xuống nước”.

Mối quan hệ ngày càng rạn nứt, trong khi liên lạc bị đóng băng, đồng nghĩa những cơ chế được thiết kế để ngăn hai cường quốc rơi vào khủng hoảng hoặc giúp họ xoa dịu căng thẳng song phương sẽ trở nên kém hiệu quả hoặc vô hiệu hoàn toàn. Những cơ chế này bao gồm đường dây nóng, thỏa thuận tránh va chạm bất ngờ trên biển, các kênh ngoại giao chính thức và không chính thức cùng các quy tắc quân sự.

Góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề mất kết nối là những ưu tiên thiên lệch ở cả hai phía. Trong khi Mỹ muốn tăng cường các biện pháp bảo vệ và đường dây liên lạc để quân đội của họ có thể đi qua eo biển Đài Loan và Biển Đông mà không bị cản trở, Bắc Kinh lại muốn duy trì tình trạng mơ hồ để ngăn cản các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ và tạo ra bầu không khí hoài nghi.

Trong khi Mỹ cho rằng Trung Quốc đang muốn thay đổi trật tự toàn cầu “dựa trên luật lệ” thì Bắc Kinh coi Washington là một siêu cường đang có ý định kiềm chế Trung Quốc, ngăn nước này trỗi dậy.

“Nhiều người lo ngại sự cố xảy ra bởi cả hai phía đều đang trong tâm thế đề phòng nhau”, Susan Thornton, chuyên gia cấp cao tại Trường Luật Yale, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá. “Thật đáng ngạc nhiên là chúng ta chưa gặp phải bất kỳ sự cố nào kể từ năm 2001 đến nay”.

Mỹ và Trung Quốc hiện thiếu hoặc có rất ít các cơ chế quản lý một số lĩnh vực tiềm ẩn xung đột đang nổi lên như hạt nhân, vũ trụ và không gian mạng. Hồi năm 2020, Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt Mỹ khi Washington, vì không thể thuyết phục Bắc Kinh tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân Mỹ – Nga, đã đăng bức ảnh lá cờ Trung Quốc bên chiếc ghế trống tại hội nghị.

Một số chuyên gia cho rằng với việc các kênh đối thoại giữa hai bên bị cắt đứt, có thể cần một cuộc khủng hoảng để quản lý khủng hoảng tốt hơn, như sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, Washington và Moskva lần đầu tiên thiết lập đường dây nóng do nhận ra họ đã suýt rơi vào một cuộc chiến tranh hạt nhân như thế nào.

“Phải cần đến cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba với nguy cơ gần như hủy diệt toàn thế giới để khiến mọi người có động lực nói chuyện với nhau”, Green nhấn mạnh.

Tuy nhiên, báo cáo của CSIS được công bố trong tháng qua, dựa trên một số kịch bản giả định, cho rằng một cuộc khủng hoảng như vậy sẽ khiến nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc chia rẽ hơn nữa, hai bên sẽ áp đặt thêm các lệnh cấm vận, trừng phạt lên nhau, đồng thời tạo ra áp lực lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều công cụ để ngăn chặn mọi thứ đi chệch hướng đều không phát huy tác dụng, trong đó có Quy tắc về Chạm trán bất ngờ trên Biển năm 2014, một phụ lục về chạm trán trên không được nhất trí năm 2015 và Thỏa thuận Tham vấn Quân sự trên Biển năm 1998.

Các mối quan tâm chung trước đây có thể giúp tạo dựng lòng tin Mỹ – Trung như y tế toàn cầu và môi trường, đang ngày càng bị chính trị hóa và được sử dụng để xây dựng quyền lực mềm.

Lập trường của Bắc Kinh là Washington cần cắt giảm thuế quan trừng phạt và giải quyết các yếu tố gây căng thẳng sâu sắc trước khi tiến tới thảo luận những vấn đề ít gây tranh cãi hơn.

Các cuộc thảo luận bán chính thức giữa hai bên cũng giảm đi đáng kể, một phần do Covid-19, nhưng cũng là kết quả của các chính sách thị thực thắt chặt hơn, chủ nghĩa dân tộc gia tăng và bầu không khí mất lòng tin.

Liên lạc giữa quân đội Trung Quốc và Lầu Năm Góc đang giảm dần. Các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Đối thoại Ngoại giao và An ninh cấp cao, do chính quyền tổng thống Donald Trump thiết lập năm 2017 trước khi quan hệ xấu đi, đã bị hủy bỏ vào năm 2019.

Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ba lần cố gắng tổ chức các cuộc đàm phán quân sự với Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng song đều thất bại. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc ông Austin phớt lờ nghi thức ngoại giao, khi không yêu cầu gặp người đồng cấp là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

Số cuộc tiếp xúc giữa quan chức quốc phòng hai nước đã giảm xuống còn 11 vào năm 2019, từ hơn 40 cuộc ở đỉnh điểm hồi năm 2013, theo Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. Mặt khác, không có bất kỳ cuộc đàm phán quốc phòng cấp lãnh đạo nào được tổ chức từ tháng 8/2020 đến tháng 4 năm nay.

Trong các cuộc khủng hoảng trước đây, như vụ va chạm máy bay hồi năm 2001, khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1995-1996 và vụ Mỹ ném bom nhầm đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, thủ đô Nam Tư năm 1999, Trung Quốc đều không trả lời điện thoại từ phía Mỹ. Đây cũng được cho là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ khiến căng thẳng leo thang.

Các đường dây nóng thường xuyên đổ chuông “trong những căn phòng trống”, Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Joe Biden, năm ngoái cho biết.

Theo Thornton, đằng sau một thứ tưởng như đơn giản như đường dây nóng là những khác biệt rõ rệt mang tính cấu trúc giữa hai nước.

Chính quyền Trung Quốc thường có xu hướng phát đi những thông điệp mang tính tập trung, từ cấp cao nhất và không điều chỉnh. Sau một sự cố lớn, họ cần vài ngày hoặc vài tuần để xem xét, cân nhắc các tác động chính trị rồi mới tiến đến đồng thuận về thông điệp đưa ra.

“Sẽ rất khó để Chủ tịch Tập Cận Bình nhận cuộc gọi từ tổng thống Mỹ sau khi một vụ tai nạn hay sự cố nào đó xảy ra”, Thornton lưu ý.

Ngược lại, hệ thống của Mỹ là phi tập trung, thậm chí nhiễu loạn khi các quan chức không ngần ngại đưa ra những quan điểm khác nhau. Nếu sự cố xảy ra, các thủy thủ hoặc phi công thường đăng ảnh gần như ngay lập tức và Lầu Năm Góc cũng liên tục đưa ra các tuyên bố không đồng nhất khi họ có thêm thông tin.

Phi công Trung Quốc Wang Wei, người thiệt mạng sau khi chiến đấu cơ của anh va chạm với một máy bay do thám Mỹ gần đảo Hải Nam hồi năm 2001. Ảnh: Xinhua.

Phi công Trung Quốc Wang Wei, người thiệt mạng sau khi chiến đấu cơ của anh va chạm với một máy bay do thám Mỹ gần đảo Hải Nam hồi năm 2001. Ảnh: Xinhua.

Các chuyên gia lo ngại rằng bất kỳ sự cố ngoài ý muốn nào trong tương lai có thể gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với vụ va chạm giữa máy bay do thám EP-3 Mỹ và chiến đấu cơ F-8 Trung Quốc hồi năm 2001. Khi đó, hai nước còn tương đối thân thiện với việc Trung Quốc vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

“Bây giờ, với sự phổ biến của mạng xã hội, hiệu ứng sẽ nhân lên nhiều lần và mọi người đều muốn có lời giải thích ngay lập tức cho những gì đã xảy ra”, Thornton nói. “Các bên khi đó sẽ khó hạ nhiệt hơn nhiều, và căng thẳng nhiều khả năng sẽ leo thang thành một loại xung đột nào đó”.