Năm mới nói chuyện làm ăn: “Việt Kiều bỏ trời Tây về quê nuôi lợn”.

Khi đang là chủ của 3 cửa hàng kinh doanh hàng may mặc lớn, lợi nhuận cao, có uy tín trong cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga, vợ chồng anh Phạm Bá Vang, xã Tân Bình (thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) quyết định trở về quê hương để gắn bó với nghiệp chăn nuôi lợn.

 

Nhờ nghị lực, ý chí, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật cùng sự nhạy bén trong kinh doanh, anh Phạm Bá Vang đã thành công khi chọn con lợn là vật nuôi chủ lực, biến dải ao đầm hoang vu ven sông Trà Lý ngày nào thành một trong những trang trại lớn và trù phú bậc nhất trong vùng.

“Chăn nuôi là nghề chứa đựng nhiều rủi ro, nếu không có sự gắn bó, đam mê thì chưa chắc gia đình tôi đã có cuộc sống như bây giờ” – anh Vang mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 8 anh chị em ở đất Thái Bình, ngay từ nhỏ đã tảo tần phụ giúp cha mẹ, cái duyên với thương trường cũng gắn với anh từ đó.

Năm 1993, anh Vang sang Nga lao động, những ngày bươn chải mưu sinh nơi đất khách quê người, anh đã tìm được tình yêu của cuộc đời mình khi nên duyên với cô bạn gái cùng quê Lê Thị Thu Hiền. Tổ ấm nhỏ của anh chị thêm niềm vui với lần lượt 2 con gái chào đời trên xứ Bạch Dương tươi đẹp. Dù công việc kinh doanh hàng may mặc tại Nga đang thành công nhưng nỗi nhớ quê hương vẫn canh cánh trong lòng. Năm 2002, anh quyết định về Việt Nam khởi nghiệp lại từ đầu.

 

Anh Phạm Bá Vang (áo trắng) kiểm tra chất lượng lợn giống tại trang trại.

 

Trong anh luôn trăn trở suy nghĩ tìm hướng phát triển để làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Dù bị nhiều người can ngăn nhưng với quyết tâm của mình, anh nhận đấu thầu và đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tại vùng đầm hoang bên sông Trà Lý với mong muốn tận dụng lao động tại địa phương, cung cấp cho thị trường những loại thực phẩm có giá trị.

Nhờ tuân thủ quy trình chăn nuôi lợn khép kín, bảo đảm vệ sinh phòng dịch, sản phẩm chất lượng nên đầu ra luôn bảo đảm, mỗi tháng xuất chuồng từ 1.500 – 1.700 con lợn thịt, lợn giống, đạt doanh thu trung bình từ 60 – 80 tỷ đồng/năm.

Trang trại tạo việc làm cho gần 40 lao động với thu nhập trung bình từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Thiếu kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi lợn, mình anh lại ngược xuôi Bắc, Nam, tìm đến những trung tâm chăn nuôi lợn, trang trại chăn nuôi lợn có uy tín để học hỏi. Sau những thành công bước đầu với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, năm 2005, anh nhận thấy con lợn tuy có tầm quan trọng trong nhu cầu tiêu thụ của người dân song quy mô chăn nuôi còn ở mức nhỏ lẻ, tự phát, tập trung chăn nuôi lợn theo hướng chuyên nghiệp, quy mô lớn sẽ đón đầu xu thế và thu được lợi nhuận cao từ vật nuôi đầy tiềm năng này.

Toàn bộ trang trại 51.400m2 được anh Vang cải tạo, nâng cấp với quy mô 13 dãy chuồng nuôi khép kín, trong đó, có 4 dãy dành nuôi lợn nái còn lại là lợn thương phẩm.

Các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường được đặc biệt quan tâm với hồ Biogas có sức chứa 3.000m3 cùng 4 hệ thống hồ điều hòa, cây bóng mát, cây ăn quả quanh trang trại… tất cả đạt yêu cầu của mô hình chăn nuôi khép kín.

Chị Lê Thị Thu Hiền chia sẻ: Khởi điểm chỉ với 50 lợn nái và 600 lợn thịt, 2 vợ chồng cứ vừa làm vừa học thêm kinh nghiệm. Những ngày chờ đợi lứa lợn đầu tiên sinh sản thành công trong trang trại, những lần lợn ốm, bỏ ăn, giá mua lên xuống thất thường khiến anh chị nhiều phen mất ăn, mất ngủ…

Sau 2 năm học hỏi được nhiều kinh nghiệm nuôi lợn và nắm vững kỹ thuật nuôi lợn, anh Vang quyết định đầu tư phát triển quy mô chăn nuôi. Cao điểm trang trại của anh Vang nuôi tới gần 8.000 con lợn.

Con lợn đã giúp gia đình anh Vang đổi đời nhưng để gắn bó và thành công với nghề chăn nuôi, theo anh Vang đó là cả một quá trình hội tụ nhiều yếu tố.

Chăn nuôi lợn là ngành mang tính chất sản xuất hàng hóa nên tất cả các khâu từ xây dựng cơ sở hạ tầng phải đạt chuẩn với mục đích tạo tiểu khí hậu chuồng nuôi tốt, bảo đảm tốt các khâu vệ sinh phòng dịch, môi trường, nguồn thức ăn, nguồn giống.. theo mô hình chăn nuôi khép kín.

Trang trại chăn nuôi lợn cần xây dựng kế hoạch tài chính, bảo đảm nguồn vốn dự phòng, nhằm kiểm soát được giá thành sản xuất hướng tới tính toán, dự báo được cung cầu của thị trường.

“Chăn nuôi lợn là ngành chứa đựng nhiều rủi ro nên người chăn nuôi cần tỉnh táo nhận định tình hình, tuyệt đối không tự ý tăng, giảm đàn ồ ạt, chạy theo tâm lý đám đông trong kinh doanh. Đặc biệt, muốn thành công với nghề nuôi lợn, điều quan trọng nhất là phải có đam mê và tinh thần cầu thị học hỏi bởi ngành chăn nuôi không có kiến thức sẽ rất dễ mất định hướng và thất bại…”, anh Phạm Bá Vang.