Người Canada lại đang phải đối phó với giá cả phi mã sau đại dịch COVID-19
Các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Canada đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi các loại hàng hóa thiết yếu hoặc nhà ở đang ngày càng trở nên đắt đỏ.
Thế giới đã trải qua ba năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát (tháng 3/2020), nhiều thay đổi đã xảy ra, đặc biệt là vấn đề kinh tế xã hội. Giống như ở nhiều quốc gia khác, cuộc sống tại Canada cũng đã thay đổi theo nhiều cách, một số thay đổi do tác động trực tiếp, trong khi những thay đổi khác được coi là xu hướng được thúc đẩy bởi đại dịch.
Người dân mua hàng trong một siêu thị ở Vancouver, British Columbia, Canada. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Canada vừa được công bố ngày 13/3, các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Canada đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi các loại hàng hóa thiết yếu như sản phẩm tiêu dùng hàng ngày hoặc nhà ở đang ngày càng trở nên đắt đỏ mặc dù có sự tăng trưởng mạnh mẽ về việc làm và các hoạt động kinh tế khác.
Báo cáo này mô tả hoạt động kinh tế của Canada có khả năng phục hồi khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên thực tế đã vượt xa các nước khác trong Nhóm G7 kể từ quý II/2021. Tính tới cuối năm 2022, GDP của Canada cao hơn 2,7% so với mức trước đại dịch.
Ngân hàng Trung ương Canada đã tăng lãi suất đều đặn kể từ tháng 2/2022 trong nỗ lực kìm hãm nền kinh tế vì kéo theo là lạm phát. Lãi suất hiện dừng ở mức 4,5% và theo họ phải mất khoảng 18-24 tháng mới nhìn thấy được toàn bộ các tác động của việc tăng lãi suất.
Mặc dù có sự tăng trưởng kinh tế, nhưng cơ hội khởi nghiệp các hoạt động kinh doanh mới dường như đang chững lại. Giai đoạn đầu của đại dịch từng chứng kiến làn sóng đóng cửa doanh nghiệp hàng loạt, nhưng tới đầu năm 2022, số lượng doanh nghiệp mở cửa trở lại đã ngang với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, do lãi suất tăng khiến chi phí đi vay tăng lên nên hoạt động kinh doanh bị chậm lại, tác động tới việc mở mới các doanh nghiệm. Số liệu vào cuối năm 2022 cho thấy, tỷ lệ mở doanh nghiệp mới đã giảm xuống tới mức thấp nhất trong hai năm qua, trong khi tỷ lệ vỡ nợ tăng lên do những thách thức liên quan tới chuỗi cung ứng, lạm phát và thị trường lao động.
Nền kinh tế Canada cũng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do khả năng chi trả cho nhà ở ngày càng giảm. Giá nhà ở tại Canada đã giảm kể từ khi đạt đỉnh hồi đầu năm 2022 nhờ việc Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất, nhưng chi phí trung bình cho một ngôi nhà tính tới đầu năm 2023 vẫn cao hơn 33% so với mức trước đại dịch COVID-19.
Ở một số thành phố lớn, chi phí nói trên còn cao hơn nhiều ví dụ như ở Montreal hay Toronto là 37%, trong khi ở Halifax là 58% so với trước đại dịch. Việc tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương có thể làm giá nhà giảm, nhưng ở thời điểm này, chi phí lãi suất vay thế chấp lại tăng khoảng 18% so với tháng 12/2022.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát gần đây có giảm so với mức 6% trong gần cả năm 2022, nhưng người dân lại đang phải đối phó với tỷ lệ lạm phát cao về thực phẩm và hàng hóa thiết yếu ở mức hai con số. Chi phí về thực phẩm và nhà ở leo thang đã dẫn tới tình trạng căng thẳng về tài chính đối với nhiều người Canada. Những khoản tiết kiệm cá nhân của những người thu nhập thấp bị giảm đáng kể, trong khi các khoản nợ của hộ gia đình lại tăng cao hơn bình thường.
Cơ quan Thống kê Canada cho biết khoảng 25% người dân Canada phải đi vay tiền hoặc sử dụng thẻ tín dụng để trang trải chi phí hàng ngày. Số liệu vào cuối năm 2022 của Cơ quan này cho thấy gần ½ số người Canada nói rằng họ lo ngại về khả năng chi trả nhà ở của hộ gia đình mình.
Trên thị trường lao động, Canada cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mước thấp. Trong tháng 2/2023, đã chứng kiến 22.000 công việc mới được đưa vào thị trường, so với mức trước đại dịch COVID-19 đã có tổng cộng 800.000 việc làm mới trên thị trường lao động.
Tuy nhiên, trong vài năm tới sẽ xuất hiện tỷ lệ cứ 5 người Canada trong độ tuổi lao động sẽ có 1 người nghỉ hưu và khoảng cách giữa người nghỉ hưu với người mới tham gia thị trường lao động đang ở mức kỷ lục. Canada đang có kế hoạch tăng mức nhập cư lên 500.000 người mỗi năm tới năm 2025 để chống lại tình trạng này. Nhưng theo Cơ quan Thống kê Canada, việc này sẽ chỉ làm giảm bớt một phần sự tác động của già hóa dân số, bởi kỹ năng của những người mới tham gia thị trường lao động đang có xu hướng giảm./.
(bnews)