Người đàn ông lai Việt đối mặt lệnh trục xuất sau 34 năm sống ở Mỹ

Hàng nghìn người Việt nhập cư có nguy cơ bị trục xuất, trong đó trường hợp đã mất quyền cư trú hợp pháp do từng bị kết án.

Robert Huynh là con trai của một lính Mỹ và một người phụ nữ Việt Nam. Anh không biết mặt cha mình. Năm 1984, tức 9 năm sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền nam Việt Nam, cậu bé Huynh 14 tuổi đặt chân tới Mỹ để đoàn tụ với mẹ và các anh chị em ở thành phố Louisville, bang miền trung Kentucky theo Chương trình Ra đi có Trật tự (ODP), Washington Post đưa tin.

Người đàn ông lai Việt đối mặt lệnh trục xuất sau 34 năm sống ở Mỹ - ảnh 1

Hiện Huynh sống với con trai và hai cháu. Người đàn ông 48 tuổi đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam, nơi anh chưa từng trở về suốt 34 năm qua và anh cũng không còn bạn bè hoặc họ hàng sống ở đó.

Huynh chỉ là một trong số khoảng 8.000 người Việt bị ảnh hưởng bởi chính sách nhập cư mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo đó, cơ quan chức năng Mỹ đang ráo riết đẩy mạnh việc trục xuất những người nhập cư vi phạm luật pháp. Những người này có thẻ xanh lưu trú ở Mỹ nhưng chưa nhập quốc tịch.

Huynh, hàng ngày làm việc tại tiệm làm móng của gia đình, cho biết anh dính nhiều tiền án. Thời ngoài 20 tuổi, anh ngồi tù ba năm vì tội giao dịch thuốc lắc, gần đây nhất, anh thụ một năm án treo vì lái xe khi trong người có hơi men. Sau đó, Huynh lĩnh thêm một án treo khác với cáo buộc cùng bạn gái mở sòng đánh bạc bằng máy tại Texas.

Huynh thừa nhận tất cả sai lầm trong quá khứ nhưng cho biết anh chấp nhận mọi hình phạt và cố gắng xây dựng lại cuộc đời. Vậy mà hiện nay Huynh có nguy cơ mất trắng những thứ anh đang cố gắng vun đắp.

“Mẹ tôi năm nay đã 83 tuổi và tôi muốn có mặt bên bà khi bà nhắm mắt xuôi tay”, Huynh trả lời qua điện thoại từ chỗ ở mới tại thành phố Houston, bang Texas. “Tôi không còn người thân thích ở Việt Nam. Cuộc sống của tôi là ở Mỹ”.

Gần 1,3 triệu người Việt Nam nhập cư vào Mỹ kể từ năm 1975. Nhiều người sau khi đặt chân đến vùng đất mới được cấp thẻ xanh lưu trú hợp pháp. Tuy nhiên, sau đó không ít người, do không có bằng cấp, trình độ tiếng Anh kém hoặc không đủ khả năng thuê người xử lý các thủ tục nhập quốc tịch rườm rà, chưa từng nộp đơn để trở thành công dân Mỹ. Anh Huynh là một trong số đó.

Họ đến Mỹ khi còn nhỏ, vào đại học, làm việc, đóng thuế và chăm lo cho mái ấm của mình như mọi công dân Mỹ khác. Hàng chục năm sau, những người nhập cư gốc Việt này có nguy cơ phải chia lìa gia đình.

‘Chính sách lạnh lùng’

Chính quyền Tổng thống Trump, mà “tác giả” đứng sau là cố vấn cấp cao Stephen Miller, đã “xét lại” thỏa thuận năm 2008 ký kết giữa Hà Nội và Washington, theo đó, những công dân Việt Nam đến Mỹ trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995 sẽ không “thuộc diện phải quay trở về”. Nhà Trắng hiện tuyên bố không có chính sách miễn trừ như vậy dành cho những người nhập cư chưa nhập quốc tịch và từng phạm tội.

Bộ Ngoại giao Mỹ phản bác các ý kiến chỉ trích chính quyền hiện nay “nuốt lời hứa” trong thỏa thuận năm 2008 và dẫn một điều khoản trong văn bản đã ký kết cho rằng hai bên “bảo lưu ưu thế luật pháp mỗi bên” khi xét các trường hợp tới Mỹ trước năm 1995.

“Quan điểm của Mỹ là mọi quốc gia đều có nghĩa vụ pháp lý quốc tế trong việc nhận lại những công dân của mình mà một nước khác tìm cách đuổi đi, tống ra hoặc trục xuất”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố và từ chối trả lời cụ thể về các trường hợp Việt Nam.

Theo cách diễn giải của chính quyền Trump, thỏa thuận năm 2008 được ký kết sau khoảng thời gian bế tắc giữa hai bên trong nỗ lực tìm cách đạt được một thỏa thuận liên quan đến những người di cư trước năm 1995, một quan chức cấp cao giấu danh tính cho hay.

“Lúc đó chúng ta ở trong tình thế mà sau một khoảng thời gian dài họ (phía Việt Nam) không nhận lại bất cứ một người nào”, quan chức này cho hay. “Về mặt lý thuyết vào năm 2008, (Washington tư duy) theo kiểu ‘Hãy cố tạo ra một hệ thống vận hành được và cố thuyết phục họ nhận lại ít nhất một số người bị kết án hình sự'”.

Brendan Raedy, cán bộ phụ trách đối nội của Sở Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), cho biết nguồn lực của sở này hiện tập trung vào xử lý “những cá nhân tạo ra mối đe dọa với an ninh quốc gia, an toàn công cộng và an ninh biên phòng”.

“Đa số các trường hợp thuộc diện trục xuất, một số chỉ vì những vi phạm luật nhỏ, là người tị nạn từng đứng về phía Mỹ (trong thời kỳ chiến tranh)”, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius dưới thời chính quyền Barack Obama, viết trên tạp chí của hiệp hội công đoàn dành cho các nhà ngoại giao Mỹ.

“Tôi đánh giá chính sách lạnh lùng này sẽ hủy hoại cơ hội thành công của chúng ta trong việc theo đuổi những mục tiêu khác liên quan đến mối quan hệ với Việt Nam của Tổng thống Donald Trump: giảm thâm hụt thương mại, tăng cường quan hệ quốc phòng và xử lý những mối đe dọa hòa bình trong khu vực”. Cựu đại sứ Osius cũng khẳng định ông đã lên tiếng phản đối nhưng “được lệnh giữ im lặng”.

ICE đã bắt giam ít nhất 57 người đến Mỹ trước năm 1995 hồi giữa tháng 6, theo số liệu mà cơ quan này cung cấp cho bên luật sư. Chưa kể 11 trường hợp đã bị gửi trả về Việt Nam. Một số từng phạm tội liên quan đến bạo lực và ngồi tù nhiều năm để trả giá. Số khác bị cáo buộc những tội không bạo lực, bao gồm sở hữu cần sa, lưu hành tiền giả và lái xe khi say rượu, theo các luật sư.

“Một số trường hợp phạm tội từ những năm 90 thời kỳ mà họ mới bắt đầu cuộc sống ở Mỹ. Họ lớn lên tại các khu dân cư nghèo và thường xuyên bị bắt nạt”, Phi Nguyen, giám đốc xử lý các vụ kiện tụng thuộc tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ pháp lý và hoạt động về quyền dân sự cho người Mỹ gốc Á ở thành phố Atlanta, cho biết. Phi Nguyen đã đệ đơn ở bang California để yêu cầu ngừng các vụ giam giữ.

Anh Huynh nhận được lệnh trục xuất ngay sau khi ra tù hồi năm 2006 và bị giam hơn bốn tháng trong trung tâm di trú. Anh được chỉ được thả khi cơ quan chức năng thừa nhận phía Việt Nam sẽ không tiếp nhận trường hợp của anh.

Và kể từ năm 2017, sau khi bị truy tố vì tội mở sòng bạc bất hợp pháp, Huynh buộc phải trình diện cảnh sát hàng tháng. “Tháng đầu tiên tôi đến trình diện, lúc đó ông Obama vẫn là tổng thống, không có vấn đề gì”, Huynh nói. “Tháng thứ hai, vẫn dưới thời Obama, và mọi thứ ổn. Nhưng đến lần thứ ba, khi Donald Trump lên nhậm chức. Đó là vào tháng 2/2017, Donald Trump mới làm tổng thống có 17 ngày. ICE đón lõng tôi ngay bên ngoài văn phòng trình diện”.

Một năm sau đó, anh Huynh bị giam trong trung tâm di trú.

Tương lai bất định

Người đàn ông lai Việt đối mặt lệnh trục xuất sau 34 năm sống ở Mỹ - ảnh 2

Tung Nguyen đến Mỹ năm 1991 khi mới 13 tuổi. Bố mẹ anh nhận nuôi một cô con gái là con của lính Mỹ nên gia đình đi di cư theo chương trình Con lai Mỹ – Việt Trở về Nhà. Cha mẹ làm công việc tay chân với tiền công rẻ mạt để nuôi sống cả nhà, cậu bé Nguyen thường ở nhà một mình và tự vật lộn để thích ứng với cuộc sống mới.

“Tôi lúc đó còn nhỏ, không nói tiếng Anh và bị bắt nạt ở trường học. Vì vậy, tôi cảm thấy được an ủi khi ở bên cạnh những người giống mình, họ cho tôi cảm giác tôi thuộc về một nơi nào đó”, Nguyen nói qua điện thoại từ Santa Ana, bang California. Nguyen giao du với những thanh niên gốc Việt sống “du thủ, du thực”.

Năm 1994, khi Nguyen tròn 16 tuổi, anh dính vào một vụ án đâm chết người, bắt nguồn từ việc “dạy dỗ đối phương biết tôn trọng”. Nguyen mang theo một con dao nhưng không phải là người ra tay. Nhưng anh vẫn bị xử như một tội phạm thành niên và lĩnh án 25 năm tù. Sau khi thụ án 18 năm, Nguyen được tha bổng vì “thành tích cải tạo hiếm có”.

Kể từ đó người đàn ông này cống hiến tâm sức, giúp đỡ các nạn nhân và những người từng phạm tội trong cộng đồng người Việt. Năm 2014, anh lập gia đình. Năm nay, Quỹ Xã hội Mở trao cho Nguyen danh hiệu Công lý Soros, công nhận anh là “một cá nhân xuất sắc” hoạt động để cải thiện hệ thống luật pháp hình sự.

“Tôi không sinh con bởi vì tôi không thể sống với thực tế rằng một ngày nào đó, họ có thể đến và đưa tôi đi”, Nguyen nói. “Đây là cuộc sống của tôi. Đây là nhà của tôi”.

Về phần Huynh, năm 2016, anh đoàn tụ với gia đình bên nội sau khi xét nghiệm ADN giúp anh tìm được một người em họ. Cha của người này chính là em trai của ông James A. Falls, người cha thất lạc của Huynh.

Tin tốt đến cùng tin xấu. Người cha mà Huynh không thôi băn khoăn suốt bao năm qua đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1974 khi Huynh mới lên 4. Nhưng dù sao, anh đã tìm thấy một gia đình mà anh chưa bao giờ biết tới, bao gồm một anh trai, một chị gái và hai người cô, tất cả đều sống gần anh ở Houston. “Hai cô rất thương tôi”, Huynh nói. Anh không dám nghĩ đến ngày phải chia lìa gia đình này.