Người gốc Việt tự hào về ‘ngôi nhà chung’ ở Boston
Khu Little Saigon ở Boston được coi là ngôi nhà chung cho cộng đồng gốc Việt tại Massachusetts, với nhiều cơ sở ẩm thực, văn hóa đậm chất Việt Nam.
Boston, thủ phủ bang Massachusetts, có cộng đồng 9.000 người Mỹ gốc Việt sinh sống, lớn nhất toàn bang. Đa số người gốc Việt ở Boston sinh sống tại khu phố Field’s Corner dọc Đại lộ Dorchester.
Năm 2021, chính quyền bang Massachusetts chính thức công nhận Field’s Corner là Quận Văn hóa Little Saigon, hoàn thành mục tiêu được cộng đồng gốc Việt ở đây theo đuổi từ năm 2014.
“Khu phố có rất nhiều hộ gia đình Việt Nam và nhà hàng Việt. Đây không chỉ là một cộng đồng, mà là ngôi nhà chung lớn”, Kevin Tran, liên lạc viên văn hóa Việt Nam của Boston, bày tỏ niềm tự hào trong phóng sự được CBS News đăng ngày 4/5.
Nhà hàng Việt tại Quận Văn hóa ở Boston. Ảnh: BostonGlobe
Khu phố này dày đặc các doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam, có các trường ngoại ngữ, song ngữ, trung tâm cộng đồng, trung tâm Phật giáo, văn phòng luật, thẩm mỹ viện do người gốc Việt vận hành.
Tam Le, thành viên hội đồng sáng lập Quận Văn hóa Little Saigon ở Boston, mở một quán cà phê trên con phố, ngay phía sau nhà hàng Phở Hòa của bố mẹ.
“Dù quá trình công nhận Quận Văn hóa Little Saigon chỉ mất vài năm, những công trình của người Việt ở đây đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ qua. Không có chúng, Quận Văn hóa sẽ không tồn tại”, Le nói.
Hội đồng Văn hóa Massachusetts bắt đầu ý tưởng thành lập các quận văn hóa vào năm 2011, theo quyết định được ký dưới thời thống đốc Deval Patrick. Hiện có 51 quận văn hóa trên khắp bang, 5 trong số đó ở Boston, gồm Little Saigon, Latin Quarter, Fenway, Roxbury và Boston Literary.
Các cuộc thảo luận về đề xuất biến khu Field’s Corner thành Quận Văn hóa Little Saigon bắt đầu từ tháng 3/2014. Bốn năm sau, Tổ chức Mạng lưới Người Mỹ gốc Việt (NOVA) ở Boston trở thành bên đàm phán chính cho đề xuất này.
NOVA đã tổ chức loạt cuộc họp cộng đồng để thu thập ý kiến của người gốc Việt sinh sống tại Boston. Tháng 9/2019, hội đồng thành phố bỏ phiếu tán thành ý tưởng lập Quận Văn hóa Little Saigon. Tuy nhiên, quy trình sau đó bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.
“Đại dịch là khoảng thời gian khó khăn đối với tất cả mọi người. Công việc kinh doanh đi xuống, có nhiều thứ cần thích nghi, nhưng thành phố đã tạo những điều kiện cần thiết để chúng tôi tiếp tục phát triển”, Le nói, đề cập đến các gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, quyền mở rộng hoạt động ăn uống ngoài trời, cho phép bán đồ ăn mang về.
Sau khi Quận Văn hóa Little Saigon được công nhận năm 2021, anh Le cho biết khu phố chứng kiến “sự chuyển mình mạnh mẽ, thu hút rất nhiều doanh nghiệp mới của người gốc Việt”.
Một sự kiện ẩm thực ở Quận Văn hóa ở Boston, năm 2022. Ảnh: Reddit/Alan Boston
Quận Văn hóa Little Saigon ở Boston hiện có hơn 200 hộ kinh doanh, dịch vụ và nhà hàng. Little Saigon cũng được nhiều tờ báo địa phương ca ngợi vì văn hóa ẩm thực đa dạng, từ phở, bánh mì cho đến các món giải khát như chè Việt Nam.
Việc được công nhận là quận văn hóa không chỉ giúp các khu dân cư nâng vị thế, mà còn thu hút các quỹ tài trợ của chính phủ Mỹ để cải thiện mỹ quan và phục vụ những chương trình cộng đồng.
Quận Văn hóa Little Saigon đã nhận khoảng 75.000 USD từ Quỹ Nghệ thuật Quốc gia Mỹ. Annie Le, chủ tịch Little Saigon, cho biết khoản hỗ trợ này giúp bù đắp khoản khuyến học và giúp thành lập ban quản lý mới của khu phố, hướng đến “một tầm nhìn rộng hơn” cho một thập kỷ tới.
“Chúng tôi hiện tập trung kết nối mọi người, giúp các nghệ sĩ cũng như chủ doanh nghiệp phát triển”, bà nói.
Michael Bobbit, giám đốc điều hành Hội đồng Văn hóa Massachusetts, cho biết khu phố “trong tình trạng tốt”. “Nhừng gì được xây dựng ở đây trong vài thập kỷ qua thực sự phi thường. Đây là một cách thúc đẩy kinh tế, du lịch, cũng như củng cố bản sắc Việt Nam hiệu quả”.
Vivian Veth, người Việt di cư tới Boston năm 1984, cho hay khi mới đặt chân đến đây, bà phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó có nạn kỳ thị với người châu Á. Đó là lý do bà và nhiều người gốc Việt khác tập trung ở phố Field’s Corner để kiếm sống và giúp đỡ lẫn nhau.
“Chúng tôi muốn sát cánh và nương tựa vào nhau, bởi nhiều người trong cộng đồng khi đó không nói được tiếng Anh”, Veth cho hay. Bà đã mở My Sister’s Sandwich Café, nhà hàng nổi tiếng ở Boston với món bánh mì Việt Nam.
Bà làm bánh mì theo công thức riêng, coi đây như một biểu tượng truyền thống để kết nối cộng đồng. “Tôi rất vui khi mọi người tìm đến và thưởng thức nó”, bà nói.