Người Việt đầu tiên thành Hiệu trưởng ở Nhật và mối nhân duyên với “nghiệp trồng người”: “Mình có thể không phải người giỏi nhất, nhưng hãy luôn là người cố gắng nhất”
btv32022-10-12T14:06:04+07:00“Bước chân đến Nhật vào năm 18 tuổi, không sõi tiếng, không bạn bè, không người thân quen, thú thật tôi cũng nghĩ đến chuyện từ bỏ. Nhưng vì đó là ước mơ, cũng là lựa chọn duy nhất ở thời điểm bấy giờ nên có khó khăn cũng phải cắn răng bước tiếp” – anh Nguyễn Duy Anh nhớ lại hành trình vất vả đã qua.
Năm 2006, một chàng trai Hà Nội chân ướt chân ráo đặt chân tới xứ sở hoa anh đào. Ở thời điểm đó, chính bản thân anh cũng không ngờ rằng, mình sẽ gắn bó với Nhật Bản suốt 16 năm.
Vượt qua rào cản ngôn ngữ, cách biệt văn hóa, Nguyễn Duy Anh ôm ước mơ của riêng mình để từng bước vượt qua khó khăn. Có những thời điểm phải làm đủ thứ việc, từ rửa bát thuê, nhân viên siêu thị, cho đến phục vụ nhà hàng, anh vẫn luôn kiên trì học tập và thích nghi.
Chính nhờ tinh thần đó, nhiều năm sau, người Việt đầu tiên thành Hiệu trưởng ở Nhật Bản đã xuất hiện và khiến bao người kinh ngạc.
– Vì sao anh lựa chọn đi du học ở Nhật?
Phải nói rằng, đi du học vào thời điểm đó là một quyết định táo bạo đối với tôi. Bắt đầu mọi thứ từ con số 0, đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện từ bỏ. Nhưng thú thật du học Nhật vừa là ước mơ, vừa là lựa chọn duy nhất của mình lúc đó vì nguyện vọng 1 thi vào Học viện an ninh không trúng tuyển.
Nhật Bản không chỉ được biết đến với những phong cảnh hữu tình, những công trình kiến trúc độc đáo, mà còn có bao nét văn hóa truyền thống đặc sắc, lối sống và cách ứng xử văn minh, lịch sự. Đó là điều mà tôi luôn muốn học hỏi từ đất nước này.
Vì thế, dù gia đình không mấy khá giả, tôi vẫn kiên trì với nguyện vọng của mình. Thời gian đầu sẽ phát sinh một số khoản tốn kém, nhưng nếu bạn quyết tâm nỗ lực, có ý chí phấn đấu thì chi phí sẽ không là vấn đề gì.
– Những ngày đầu mới sang Nhật, anh có gặp nhiều bỡ ngỡ khi bước chân vào một môi trường mới, với những nét văn hóa khác biệt?
Có lẽ không chỉ riêng tôi mà lúc mới sang, ai cũng sẽ gặp những “cú sốc” tại đất nước này. Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là vấn đề bất đồng ngôn ngữ. Hồi đầu, tôi vẫn chưa thạo tiếng, mà người Nhật thường nói rất nhanh. Thế nên dù đi đâu, gặp ai nói gì, tôi cũng chỉ biết ấp a ấp úng cho qua.
Lúc đó, các trang mạng xã hội và phương tiện để liên lạc, kết nối vẫn còn chưa được phổ biến như hiện nay, đa phần mình phải tự tìm tòi tất cả mọi thứ. Nhiều khi, tôi cũng mong muốn tìm được ai đó đi trước để tham khảo, tư vấn, giúp mình định hướng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, vào đúng giây phút mà tôi bắt đầu cảm thấy chông chênh trên con đường mình chọn thì bất ngờ nhận được giấy báo đỗ vào trường đại học công lập tỉnh Hyogo (thành phố Kobe) – trường top 3 về khối ngành Kinh tế của Nhật Bản. Cảm xúc lúc đó như vỡ òa. 3 năm nỗ lực cuối cùng cũng đem về trái ngọt, giúp tôi có thêm động lực để cố gắng.
Đến khi lên đại học, tôi gặp thêm những khó khăn trong học tập, vì hồi đấy theo học trường công lập nên yêu cầu đối với mỗi sinh viên cũng rất cao. Người Nhật lại có lối sống và cách làm việc kỹ tính nên ngày nào tôi cũng phải tự “thúc” mình cố gắng cải thiện năng lực bản thân.
Tôi bắt đầu học cách xác định kế hoạch cho từng giai đoạn. Ví dụ như lúc học tiếng, tôi đề ra mục tiêu đạt đến trình độ nào trong khoảng thời gian bao lâu, sau đó sẽ lập kế hoạch chi tiết. Đồng thời, để kế hoạch đi theo đúng tiến độ đề ra, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải tự giác kỷ luật và cố gắng hết sức mình.
Những nỗ lực đó đã giúp tôi đạt được học bổng toàn phần 4 năm liên tục, rồi tốt nghiệp loại Giỏi tại khoa Kinh tế. Từ quá trình này, tôi lại hiểu thêm một điều rằng, chỉ khi vượt qua những khó khăn và thất bại, con người ta mới trưởng thành hơn.
– Những giai đoạn phải đi rửa bát thuê, làm nhân viên siêu thị, phục vụ nhà hàng… để trang trải cuộc sống, anh rút ra kinh nghiệm nào đặc biệt?
Tại Nhật Bản, cho dù làm ở các công ty lớn hay các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, môi trường đều rất kỹ tính và thách thức. Tôi buộc phải học theo tính kỷ luật của người Nhật, từ việc tuân thủ giờ giấc đến cách làm việc tỉ mỉ và cẩn thận từng li từng tí.
Họ luôn tính giờ chuẩn xác theo từng phút một. Chậm một giây cũng là chậm. Tuy rằng công việc của tôi chỉ là rửa bát thuê, nhưng vẫn phải lên lịch làm việc trước 1 tháng liền. Một khi đã đăng ký và chốt lịch xong xuôi, tôi bắt buộc phải tuân theo, không được nghỉ, không được thay đổi đột xuất.
Lúc đầu tôi cũng không quen nên còn gặp không ít rắc rối. Nhưng dần dần, nhờ cách làm đó mà tôi tập được thói quen quản lý thời gian và lên kế hoạch cho bản thân. Đây là một điều quan trọng không chỉ trong công việc mà còn áp dụng được vào học tập, cuộc sống thường ngày.
– Là Cử nhân Kinh tế, điều gì đã đưa anh đến với quyết định chuyển hướng sang ngành giáo dục?
Ý định này nảy ra trong chính quá trình học tập tại Nhật Bản. Tháng ngày ngồi trên giảng đường, tôi cảm nhận được sự tận tâm và bài bản được hiển hiện rõ nét trong cách giảng dạy của người Nhật. Điều đó lý giải vì sao chất lượng giáo dục ở đây lại cao như vậy.
Chứng kiến những điều đó, tôi mong muốn được giúp đỡ các bạn du học sinh Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với nền giáo dục tiên tiến này. Hơn nữa, trong tình hình Việt Nam và Nhật Bản đang xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa hai bên, tôi cũng muốn góp chút công sức vào việc đưa nhân tài từ Việt Nam sang Nhật Bản học tập, rồi sau đó trở về phát triển kinh tế nước nhà.
Từ đây, ý định xây dựng một cơ sở đào tạo giáo dục riêng đã ra đời. Và chặng hành trình đó cũng không dễ dàng gì.
– Tại sao không phải làm thuê mà lựa chọn làm chủ?
Vừa tốt nghiệp, tôi đã đi làm phiên dịch và xử lý hồ sơ cho du học sinh của trường Nhật ngữ Osaka Minami (thành phố Osaka). Sau 2 năm làm thuê để tích lũy kiến thức về quản lý giáo dục, suy nghĩ tự mình làm chủ và hiện thực hóa tâm huyết bấy lâu nay mới sôi sục trong lòng.
Ngay từ đầu, kế hoạch của tôi đã sử dụng hai chữ “Tự chủ” làm kim chỉ nam. Tôi muốn tự chủ để đặt quyền lợi của học viên lên hàng đầu, tự chủ trong việc chọn lựa hàng ngũ giáo viên ưu tú, có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn tự chủ để đặt ra những chế độ học bổng hấp dẫn, tạo động lực phấn đấu cho sinh viên.
Phải giữ được hai chữ “Tự chủ” thì tôi mới có thể tự đưa ra quyết định riêng của mình. Như vậy, một cơ sở đào tạo giáo dục chuẩn Nhật, thân thiện với các du học sinh quốc tế và đặc biệt là các bạn du học sinh Việt Nam dần thành hình.
– Chặng đường kinh doanh riêng tại Nhật của anh gặp phải những khó khăn gì?
Ước muốn thì có rồi, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Đó chính là khó khăn lớn nhất của những người mới làm kinh doanh. Để có được Học viện Nhật ngữ GAG ngày hôm nay, tôi đã trằn trọc rất nhiều đêm cho việc lên ý tưởng, dành thời gian nghiên cứu và tìm hiểu cách thức, phương hướng xây dựng một môi trường giáo dục chất lượng cao ở Nhật.
Giai đoạn đầu luôn là giai đoạn gian nan nhất, đặc biệt là khi mình “tự chủ” từ đầu tới cuối. May mắn là tôi nhận được sự giúp đỡ, tham vấn của các thầy cô tại Nhật, cộng thêm ý kiến của các đồng nghiệp, bạn bè.
Nhờ vậy, dù vấn đề cứ lần lượt phát sinh, tôi vẫn có thể giải quyết ổn thỏa. Qua mỗi lần như vậy, tôi lại học được thêm những cách tiếp cận rất hay từ người Nhật.
Năm 2015, ở cương vị Giám đốc điều hành, tôi chứng kiến Học viện chính thức đi vào hoạt động và đào tạo thế hệ học sinh đầu tiên. Đó chính là khởi đầu để tất cả chúng tôi nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ. Đến năm 2021, tôi mới chính thức trở thành Hiệu trưởng Học viện.
Đây là niềm tự hào nhưng cũng là thách thức rất lớn. Tôi mất tới hai tháng để suy nghĩ, nâng lên đặt xuống, không biết mình có thể đảm nhiệm vị trí là bộ mặt của trường hay không. Cuối cùng, khao khát được thử sức bản thân, làm công việc chưa người Việt nào ở Nhật từng làm đã thôi thúc tôi đứng ở vị trí này.
– Anh đã đối mặt với khó khăn của cương vị mới như thế nào?
“Nếu như muốn trở thành người có tiếng nói trong công việc thì mình phải là người cố gắng nhất trong công việc” – Đây là câu nói mà tôi vô cùng yêu thích. Cách vượt qua khó khăn chỉ đơn giản là mình cứ cố gắng.
Để đảm đương khối lượng công việc lớn, tôi thường xuyên là người tới nơi làm việc sớm nhất và về nhà sau cùng. Ngày mới của tôi thường bắt đầu lúc 7:00 sáng, vừa ăn sáng, vừa đọc báo và kiểm tra lịch trình làm việc. Tới 8:00 tôi sẽ có mặt tại trường. Còn các giáo viên khác thường tới trước 8:30 để chuẩn bị cho tiết học bắt đầu lúc 9:10.
Ở Nhật Bản không có văn hóa nghỉ trưa nên tôi chỉ tranh thủ lúc rảnh rỗi để dùng bữa cùng mọi người, sau đó nhanh chóng quay trở lại công việc. Hầu như chưa có ngày nào tôi về nhà trước 22:00.
Để đưa Học viện không ngừng phát triển, hiện tại tôi cũng đang chuẩn bị một số dự án giáo dục tại Việt Nam. Dự án này sẽ liên quan tới đào tạo tiếng Nhật cho các bạn sinh viên đại học để thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng tiếng Nhật. Điều này cũng mở ra nhiều cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản hơn.
– Văn hóa làm việc của người Nhật nổi tiếng với sự cống hiến. Sau 16 năm sống tại đây, anh nghĩ sao về điều này?
Khi làm việc với người Nhật, tôi rất ngạc nhiên khi thấy ai cũng có tinh thần học tập đáng nể. Bạn sẽ thấy sổ ghi chú và bút để “take note” mọi điều quan trọng là những thứ không thể thiếu. Có thể thấy, người dân xứ sở hoa anh đào luôn có tinh thần làm việc hết mình, theo đuổi đến cùng và không ngừng nỗ lực.
Cảm thấy mình phải học hỏi thêm nhiều điều, tôi cũng thường tận dụng những khoảng thời gian trống trong ngày để đọc sách. Ví dụ như lúc đi tàu đến chỗ làm, hay lúc nghỉ giữa giờ, tôi sẽ tranh thủ học một ít. Có thể khoảng thời gian đó không nhiều, nhưng tích lũy ngày qua ngày sẽ mang lại một kho kiến thức quý giá.
Một khía cạnh khác góp phần thay đổi cách làm việc của tôi chính là quan niệm “Làm ra làm, chơi ra chơi”. Khi đi làm, chúng ta phải dành toàn bộ công sức và sự tập trung cho công việc, đẩy năng suất và hiệu quả lên mức tối đa. Đây cũng là điều mà tôi thường nhắc nhở học sinh trong trường.
– Anh làm thế nào để cân bằng cuộc sống và công việc bận rộn?
Quan trọng nhất là kỹ năng quản lý thời gian. Khi bạn quản lý tốt, nâng cao năng suất của bản thân thì sẽ giải quyết được lượng công việc khổng lồ. Thông thường, tôi ưu tiên làm những việc có tính khẩn cấp cao trước. Và để công việc không bị tồn đọng, tôi sẽ cố gắng làm hết những nhiệm vụ của ngày hôm nay, không để dồn sang hôm sau.
Đặc biệt, tôi hạn chế thời gian lên mạng xã hội, giảm bớt các hoạt động giải trí, vì những việc này thường gây mất thời gian cũng như ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Thay vào đó, tôi sẽ sắp xếp một ngày nghỉ trong tuần để cân bằng cuộc sống tốt hơn.
Đương nhiên, đôi khi chúng ta cũng phải hi sinh phần nào quỹ thời gian cá nhân cho công việc và học sinh. Tuy nhiên, đối với cá nhân tôi, công việc là sở thích, là đam mê, vì vậy tôi luôn muốn “cháy hết mình” cho sự nghiệp “trồng người”. Càng được tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ, tôi lại càng được tiếp thêm sức lực và nhiệt huyết để cảm thấy tươi mới. Đó là niềm vui không gì có thể thay thế được.
– Anh có kinh nghiệm nào muốn chia sẻ thêm với các du học sinh Việt sang Nhật?
Nhìn từ chính khó khăn của bản thân, tôi muốn nhắn nhủ với các em nếu định đi du học Nhật Bản thì đầu tiên phải cố gắng chuẩn bị tiếng Nhật thật tốt. Đây là yêu cầu cơ bản, cũng là tiền đề mang lại rất nhiều lợi thế để có thể nhanh chóng hòa nhập và làm quen với cuộc sống mới.
Thứ hai là, chuẩn bị kế hoạch du học thật chi tiết, mục tiêu mình muốn học ngành gì, tương lai muốn làm việc trong lĩnh vực gì. Khi có mục tiêu rõ ràng thì mình sẽ tập trung toàn bộ thời gian và sức lực cho nó.
Cuối cùng, tôi có một câu nói tâm đắc muốn gửi tặng đến các bạn trẻ: “Mình không phải là người giỏi nhất, nhưng hãy luôn là người cố gắng nhất.”
– Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ ạ!
Nguồn: Kenh14