Việt kiều buồn vì tình trạng đồng hương phạm pháp ở Nhật
Đang ngồi ăn trong quán cơm ở Tokyo, Tuyên chết lặng khi một người Nhật bước vào, hét lên những lời xúc phạm “người nước ngoài phạm pháp”.
23h giờ một đêm gần đây, thời điểm tan tầm của dân công sở đi tàu từ Tokyo về nhà tại các khu vực ven đô, Tuyên Lê, sinh viên năm hai, bước xuống nhà ga Kasumigaseki, Kawagoe, để về nhà trọ trong tình trạng mệt lả.
Sau khi kết thúc giờ học buổi chiều hôm đó, cậu thanh niên 19 tuổi bỏ bữa tối, di chuyển hơn 45 km tới chỗ làm thêm ở trung tâm thủ đô Tokyo. Đó là ngày thứ 5 trong tuần Tuyên làm việc theo lịch trình này.
Nhìn thấy quán cơm bò Nhật mở 24/7 gần ga, Tuyên bước vào gọi một suất ăn nóng hổi, mà không ngờ phải bước ra với nỗi uất ức.
“Tôi đang ăn, bỗng một người đàn ông Nhật vào quán và hét vào mặt tôi: ‘Hãy cút về nước đi, lũ người nước ngoài chuyên phạm pháp, không xứng đáng ở đây!”, Tuyên kể với VnExpress.
“Nói không xấu hổ là nói dối, nhưng tôi cảm thấy buồn nhiều hơn”, Tuyên cho hay. “Không phải tự nhiên mà khi truyền thông Nhật đưa tin về các vụ trộm gia cầm, hoa quả chưa rõ thủ phạm, mạng xã hội ở đây lại đồng loạt nêu ra những cái tên có họ Nguyen”.
Theo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú Nhật Bản (ISA), hiện có gần 433.000 người Việt đang sinh sống ở nước này, chiếm 15,7% số người nước ngoài ở Nhật. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, Việt Nam đứng đầu danh sách các nước có công dân vi phạm pháp luật nước sở tại, theo báo cáo của Bộ Công an trong hội nghị cuối tháng 6.
Tiến sĩ Tuấn Anh, chuyên gia tại Trung tâm Đông Nam Á – Nhật Bản (AJC), sinh sống tại thủ đô Tokyo 10 năm, nhận định thực trạng này có nguồn gốc sâu xa, liên quan từ chế độ thực tập sinh cho đến hoạt động xuất khẩu lao động “quảng bá những công việc ‘mơ ước’, vẽ nên cuộc sống màu hồng, làm việc an nhàn kiếm 40 triệu/tháng ở Nhật để gửi về nhà”.
Theo dữ liệu của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đến tháng 6/2021, có khoảng 202.000 thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản, chiếm 63,8% số học viên quốc tế được đào tạo nghề tại quốc gia này.
Để chi trả các khoản phí để sang Nhật, 80% thực tập sinh Việt đã vay trung bình 674.000 yen, theo một khảo sát của Nikkei.
Tuy nhiên, một số thực tập sinh khi tới Nhật và đối mặt với thực tế khó khăn hơn hình dung đã sa vào con đường phạm pháp. “Họ ôm một khoản nợ sang Nhật nhưng rồi vỡ mộng, áp lực trả nợ lớn thường dẫn đến tâm lý dễ phạm tội”, ông Tuấn Anh cho biết.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết tỷ lệ phạm pháp của du học sinh và thực tập sinh Việt Nam tại nước này tăng rất mạnh những năm gần đây. Năm 2020, NPA ghi nhận gần 600 vụ thực tập sinh Việt vi phạm pháp luật, tăng 60% so với năm trước đó, tức trung bình ít nhất có 1-2 vụ phạm pháp/ngày. Người Việt liên quan đến 60% số vụ trộm, 35% vụ ẩu đả do người nước ngoài thực hiện ở Nhật.
Theo Hiromu Shimada, 31 tuổi, quản lý tại một công ty hỗ trợ người nước ngoài có trụ sở tại Tokyo, không thể phủ nhận công tác tuyển chọn thực tập sinh tới Nhật chưa chặt chẽ.
Nhiều người trong số họ là lao động chân tay, có xuất phát điểm khó khăn và thua thiệt về trình độ học vấn. “Khi đến Nhật, họ lại chịu chế độ đãi ngộ vô cùng thiệt thòi, với khoản nợ lớn trên vai”, Shimada chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều Việt kiều và cả người Nhật đều cho rằng “ở đâu cũng có người này người kia” và không phải cứ người Việt theo diện thực tập sinh là sẽ có hành vi phạm pháp.
“Tôi không thấy có gì đặc biệt khi người Việt phạm pháp, nhiều người nước khác cũng vậy”, Shimada, từng làm việc với lao động từ nhiều quốc gia, nói. “Nước nào cũng như nhau, kể cả người Nhật”.
“Có những người Nhật rất tôn trọng người Việt Nam, rất thích văn hóa Việt dù biết một số điều không hay về cộng đồng tại đây, cũng như người Việt vẫn trân quý nước Nhật với cả những điểm tồn tại của nó”, Nguyễn Thị Hồng, thực tập sinh tại Kawagoe, chia sẻ.
Theo Hồng, những người Việt sống ngay thẳng thì không cần phải xấu hổ, khó xử khi tiếp xúc với người Nhật. “Ngược lại, chia sẻ văn hóa như dạy nấu ăn, ngôn ngữ cho họ cũng có thể giúp cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn, truyền động lực cho mọi người”, cô nói.
Tiến sĩ Tuấn Anh từ AJC cho rằng có thể giảm thiểu tình trạng phạm pháp của người Việt ở Nhật nếu các công ty nhận lao động cam kết mức thu nhập chặt chẽ hơn, đảm bảo năng lực ngôn ngữ và kỹ năng sau đào tạo cho thực tập sinh. “Việt Nam cũng cần kiểm soát những khoản hoa hồng cao phi lí và bảo đảm đầu vào của các công ty trung gian”, ông nói.
Theo Hồng, tình trạng người Việt phạm pháp ở Nhật không chỉ là vấn đề của từng cá nhân, mà còn cần sự chung tay của các đoàn thể, đại sứ quán và cả chính phủ nước bạn để thực hiện mong muốn chung là xây dựng cộng đồng Việt ở Nhật ngày càng tốt đẹp.
Trong khi đó, Tuyên, du học sinh 19 tuổi, khẳng định vẫn sẽ “ngẩng cao đầu”.
“Những người có hiểu biết sẽ không vơ đũa cả nắm”, cậu nói. “Tôi không làm gì sai, nên vẫn sẽ chan hòa và ngay thẳng để góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp cho cộng đồng”.
Nguồn: VnExpress