Người Việt đi Tây liệu có sướng như Tây?

Liên quan đến những thắc mắc này, mới đây ông Trần Mạnh Thái, một người Việt đang sinh sống ở thủ đô Berlin (CHLB Đức) đã có những chia sẻ chân tình về vấn đề này.

 

Ông Thái chia sẻ, nhiều người như ông sang Đức từ thời Đông Đức đến nay cũng đã trên dưới 35 năm, người sang muộn hơn thì cũng đã trên dưới 25 năm. Sau gần nửa cuộc đời son trẻ nhìn lại, chúng ta thấy mình có được “sướng như Tây” hay chưa?

“Bằng sự cần cù chịu khó của người Việt, nhiều người trong chúng ta đã tích lũy được từ sự lao động cực nhọc một số tài sản cho gia đình có thể nói là giàu có hơn người Đức ở hạng trung bình.

Vài người có số tài sản hàng vài triệu tiền Tây, cá biệt một số ít thấy báo chí đưa tin có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu tiền Tây. Vậy thì số ít này rõ ràng giàu có hơn rất nhiều người Tây ở cả trung và thượng tầng xã hội (đỉnh thì người Việt mình leo chưa tới)”.

Quán bia Đức ngay trong khu Đồng Xuân, Đông Berlin

Vậy những người được đánh giá là giàu hơn Tây này liệu có sướng hơn Tây chưa? Và từ “sung sướng” liệu được định nghĩa như thế nào?

Ông Thái tâm sự, rất nhiều người vẫn mơ giấc mơ được đi Tây để đổi đời, để được “sướng như Tây”. Thậm chí nói riêng ở Đức thôi, khi sang nước này họ ở tạm trong trại tị nạn. Nếu không hoặc chưa được cấp quyền tạm trú để ra sống ở ngoài, thì họ cũng được chính quyền Đức chu cấp cho nhà ở, áo quần, tiền ăn uống sinh hoạt đầy đủ.

Thế cho nên, hàng ngày những người này không phải lao động để mưu sinh và cơm họ ăn có đủ cả thịt cá và bia bọt. Có thể thấy, như vậy đối với họ thế là “sướng như Tây” và sướng hơn ở nhà nhiều.

Người Đức nghỉ ngơi đọc sách ngoài công viên, thư viện

Thế nhưng có một số người khi sang Đức họ không được cấp quyền tạm trú vì bị bác đơn xin tị nạn. Sống trong trại tị nạn thì gò bó và không bằng nhà mình ở Việt Nam. Còn nếu đi làm thêm thì phải đi làm chui, thực sự rất vất vả, tiền kiếm được không đáng là bao. Lúc này chắc chắn họ sẽ nghĩ đi Tây thực sự không “sướng như Tây”.

Thế nên ông Thái mới bảo, đã có nhiều người trong số này nói với ông rằng đi Tây khổ như vậy, họ không nghĩ sang Tây lại khổ thế này.

Đối với người Đức bình thường, khi ngoài rạp chiếu một bộ phim hay, họ sẽ háo hức cùng gia đình, bạn bè thu xếp thời gian đi xem. Nhưng người Việt chúng ta rất ít thấy có thói quen đó.

Không chỉ vậy, người Đức sẽ kháo nhau, truyền tay nhau những tờ rơi quảng cáo và thông báo về các buổi ca nhạc, hòa nhạc để cùng bạn bè mua vé đi xem. Còn Việt Nam cũng rất ít có những hoạt động như này.

Ông Thái còn chỉ ra những khác biệt giữa người Việt và người Đức trong niềm yêu thích bóng đá. Có thể thấy, người Việt có máu mê đá bóng, khi có những giải bóng đá Thế giới hay Châu Âu hay Bundesliga (giải Ngoại hạng CHLB Đức)…, ở trong các khu chợ Việt rất náo nhiệt. Thế nhưng vào sân vận động của Đức tìm thấy người Việt đi xem rất khó.

Người Đức thậm chí còn thích ca hát, tụ tập vui chơi vào cuối tuần. Họ đến để được hoà mình vào thiên nhiên, được sống trong một bầu không khí vui tươi. Họ đơn giản là để tận hưởng thư giãn cuối tuần. Còn người Việt hầu như không có.

Tác giả Trần Mạnh Thái cho rằng người việt cần xem lại quan niệm liệu có đúng “Đi tây sướng như Tây” hay không

Trong nhiều gia đình, thậm chí con cái nói chuyện với nhau toàn bằng tiếng Tây. Nhiều người có nhiều “tiền Tây” hơn nhiều gia đình Tây trung bình. Vậy lẽ ra họ phải sướng như Tây hay hơn Tây chứ nhỉ? Thế nhưng quan niệm về “sung sướng” của ta có vẻ lại có khác.

Sướng với người Việt dường như chỉ là khoe giàu sang, hàng hiệu… hoặc sướng là khi đeo trang sức, mặc quần áo, giầy dép… “hàng hiệu“ trị giá vài ba đến vài chục nghìn tiền Tây trên người, cưỡi trên con xe trên trăm nghìn tiền Tây, ở trong những ngôi nhà vài trăm nghìn tiền Tây là sướng?

Ông Thái chia sẻ:” Người Việt làm nghề tự kinh doanh ở Đức thì làm gì có thời gian! Bán lẻ thì suốt cả tuần mải lo “cày bừa“. Nếu không làm nghề dịch vụ, được ngày Chủ Nhật nghỉ làm thì phải dành thời gian cho bao nhiêu việc khác.

Hàng quán trong khu chợ Đồng Xuân, Berlin

Người làm dịch vụ như quán xá hay hoa tươi thì không có ngày Chủ Nhật. Những người làm nghề bán sỉ (giao hàng) thì không có Thứ Bảy và Chủ Nhật. Nếu được nghỉ một ngày trong tuần thì đó là ngày để giải quyết các việc của công sở chính quyền, con cái, nhà trường, mua sắm…. Nói chung là không có thời gian “thừa” để đi khám bệnh, nếu căn bệnh chưa quật ngã chúng ta.

Vậy thì những người được gọi là thành đạt hay như vài người gọi là “Đại gia” có sướng như Tây hay sướng hơn những người Tây có thu nhập trung bình dù chỉ đủ ăn hay không?

Đến khi nào chúng ta mới thay đổi được cách nghĩ để tự tạo cho chúng ta một “cuộc sống“ thực sự cho ra sống: cho mình, cho người bạn đời đã vất vả, lăn lộn với mình suốt mấy chục năm qua? Đến khi nào chúng ta, những người đang sống tại trời Tây, mới thôi nếp nghĩ làm hộ, lo hộ, bảo hộ quá đáng cho con cái mình? Thực ra, làm như vậy là vô tình làm hỏng con mình.”.

Tác giả Trần Mạnh Thái cho rằng người việt cần xem lại quan niệm liệu có đúng “Đi tây sướng như Tây” hay không?

 

Nguồn: cuocsonguc.info