Người Việt nơi xứ người bị vạ lây vì tiếng xấu của đồng hương
Các tin người Việt bỏ trốn, giết chó, tiểu bậy, ăn cắp… thường xuyên xuất hiện trên báo chí Đài Loan, khiến nhiều người Việt ở đây bị kỳ thị.
Ngày 25/12, thông tin Đài Loan huy động đặc nhiệm tìm kiếm 152 du khách Việt đồng loạt “mất tích” sau khi nhập cảnh xuất hiện trên nhiều mặt báo tiếng Trung, cũng như tiếng Anh. Công ty lữ hành tổ chức tour cho nhóm này tin rằng toàn bộ đoàn khách đã giả mạo mục đích của chuyến đi.
Nguyễn Thúy Hằng, 27 tuổi, đang dạy tiếng Việt tại Trường đại học Đông Ngô (Đài Bắc) cho biết: “Vụ việc rất nghiêm trọng, chưa từng có trong lịch sử. Dưới các bài báo 152 người biến mất, người Đài bình luận rất gay gắt. Họ còn nói bao nhiêu nước nhập cảnh vào, chỉ có Việt Nam là xấu nhất”.
Thúy Hằng (áo trắng hàng đầu tiên) cùng với các học viên người Đài học tiếng Việt.. Ảnh: NVCC.
Thúy Hằng sang Đài Loan du học từ năm 2010. Hiện giờ bên cạnh việc dạy tiếng Việt, cô còn có một kênh Youtube giới thiệu văn hóa Việt với nhiều người Đài Loan.
“Thường mình làm các video mong người Đài bớt kỳ thị người Việt, nhưng thực sự nhiều khi bị người ta hỏi vặn lại mà không biết trả lời sao. Ví như họ hỏi: ‘Bọn mày sang đây bỏ trốn, tỷ lệ ly hôn cao là tại sao, hoặc kêu người Việt đừng giết chó của người Đài được không?'”, cô gái đến từ Lâm Thao (Phú Thọ) chia sẻ.
Theo Hằng, sau việc 152 du khách “biến mất”, người Việt, đặc biệt là bộ phận những người sang đây theo con đường xuất khẩu lao động sẽ bị mang tiếng xấu. Cô cũng lo lắng sau này muốn cho mẹ sang chơi hoặc những người thực sự muốn sang đi học, đi làm, đi du lịch thì sẽ khó xin visa.
“Báo chí Đài Loan rất hay đăng các tin người Việt ăn cắp, giết chó, bỏ trốn hay ly hôn, khiến một số người Đài không có thiện cảm. Tháng 8/2017, một bài báo trên Apple daily nói một đoàn du lịch 30 người thì có một nửa đi tiểu bậy ở điểm du lịch nổi tiếng của họ, dù có WC ngay cạnh đó. Vụ việc cũng khiến hình ảnh người Việt bị xấu”, Hằng chia sẻ thêm.
Đoàn du khách Việt tiểu bậy tại hồ Nhật Nguyệt (Nam Đầu, Đài Loan) và bị đưa lên báo cũng như các mạng xã hội nước này. Ảnh: Apple daily.
Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động nước ngoài, tính đến hết tháng 11/2017, số lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan là hơn 206 nghìn người, riêng trong năm 2017 có gần 67 nghìn lao động mới sang. Đài Loan là nơi tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất.
Anh Đặng Xuân Tâm, công nhân làm việc tại Đài Loan từ năm 2011, hiện sống tại thành phố Đào Viên cho biết, những vụ bỏ trốn như thế này sẽ khiến một số người bản xứ có cái nhìn thiếu thiện cảm hơn với những người Việt đang làm việc, học tập, lấy chồng/vợ tại đây. Tuy nhiên, đa số người Đài Loan vẫn đối xử với người Việt bình thường.
“Cuộc sống của những người Việt định cư hợp pháp không bị ảnh hưởng gì. Nhưng những người trốn ở lại Đài Loan sẽ gặp khó khăn trong đợt truy quét này. Vợ tôi hôm 25/12 đang đi học cũng bị cơ quan chức năng gọi lên kiểm tra. Nếu mình sang đây hợp pháp, họ hỏi xong rồi cũng cho về”, anh Tâm cho biết.
“Khi tôi đi chợ hay siêu thị, nếu mua hàng ở chỗ quen, họ vẫn vui cười nói chuyện bình thường và hỏi mình có biết chuyện người Việt Nam bỏ trốn không. Nếu tôi không tiếp chuyện thì họ sẽ không hỏi, còn khi tôi tiếp chuyện, họ sẽ nói ‘Người Việt Nam rất giỏi. Biến mất không ai biết ở đâu'”, anh Tâm kể thêm.
Anh Tâm làm công nhân ở Đài, nếu không tăng ca thì thu nhập chỉ từ 10 đến 12 triệu đồng/ tháng. Ảnh: NVCC.
Ngoài nhóm đi xuất khẩu lao động, cô dâu Việt ở Đài Loan đang có hơn 98.000 người, chiếm 62,9% tổng số cô dâu ngoại quốc ở đây, Taiwan News đưa tin hồi tháng 8/2017.
Chị Lê Thị Yến, 29 tuổi, một cô dâu Việt sinh sống 5 năm tại thành phố Cao Hùng (Đài Loan) chia sẻ, địa điểm nhóm du khách “biến mất” nằm ở khách sạn đối diện nơi chị đang làm việc.
“Trưa qua báo chí rầm rộ đưa tin. Bác làm cùng khách sạn với mình bảo: ‘Lại người Việt của mày bỏ trốn kìa’, rồi chỉ sang khách sạn bên cạnh, nơi có rất đông cảnh sát đang đến làm việc”, Yến chia sẻ.
Yến không lo lắng bị ảnh hưởng sau sự việc này. “Tin người Việt bỏ trốn sang đây quen rồi, chỉ là lần này đông quá thôi”, Yến nói.
Tuy nhiên, Yến cho biết cô đã nhận được 6 lời đề nghị giúp bảo lãnh sang Đài Loan làm việc trong những năm qua. “Nhiều bạn bè ở Việt Nam không hiểu luật cứ nhờ bảo lãnh cho sang đi làm. Mình chỉ bảo lãnh thăm người thân được thôi, chứ sang đây đi làm phải qua công ty môi giới mới có giấy phép lao động và đóng bảo hiểm y tế đàng hoàng”, Yến nói.
Sau khi tốt nghiệp ngành kế toán ở Việt Nam, chị Lê Thị Yến kết hôn với một người chồng Đài và đang sống ở đây. Ảnh: NVCC.
Kể từ năm 2015, Đài Loan đã thực hiện chương trình đơn giản hóa thủ tục visa cho nhóm 5 khách du lịch trở lên. Theo chị Cao Nhã Kỳ – 30 tuổi, làm phiên dịch trong một công ty xuất khẩu lao động lớn có trụ sở ở thành phố Đài Trung – thì nhiều người đã tận dụng khe hở du lịch để trốn sang đây.
“Hiện tại lao động không hài lòng chủ hoặc chủ không hài lòng thì có quyền đổi chủ, đổi lao động, song vẫn có trường hợp tự ý bỏ trốn ra ngoài khi gần hết hợp đồng. Công ty mình tuyển lao động đến từ Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Người Thái thì ít bỏ trốn. Người Indonesia do gần đây chính sách của họ thay đổi nên lao động xuất khẩu giảm dần, đồng thời có một bộ phận sợ không được quay lại nên bỏ ra ngoài làm bất hợp pháp. Nhưng tỷ lệ trốn của Việt Nam vẫn đứng hạng nhất”, Kỳ cho hay.
Theo Phan Dương – Bích Thục/ Vnexpress