Người Việt ở Ottawa: ‘Tôi phát điên vì tiếng còi của Đoàn xe Tự do’

Nhiều người Việt ở thủ đô Ottawa (Canada) cho biết họ bị choáng ngợp trước cuộc biểu tình “Đoàn xe Tự do”, đồng thời lo sợ những ảnh hưởng tâm lý do tiếng còi inh ỏi kéo dài.

“Tất cả những gì tôi nghe thấy suốt đêm là tiếng còi xe. Điều đó khiến tôi phát điên. Tôi đã mất ngủ và cuộc sống bị đảo lộn rất nhiều”, Quỳnh Anh, du học sinh Việt ở Ottawa (Canada), nói.

Chia sẻ với Zing, nhiều người Việt hiện sống tại thủ đô Ottawa – nơi tập trung đoàn xe biểu tình hay còn gọi là “Đoàn xe Tự do” – cho biết họ đã phải đối mặt với sự quấy rối và tiếng ồn không ngừng.

Đoàn người biểu tình đã dựng trại ở trung tâm thành phố Ottawa kể từ hôm 29/1. Cảnh sát báo cáo rằng đám đông đã giảm bớt từ cuối tuần qua, nhưng nhiều con đường ở khu trung tâm hiện vẫn chật kín xe tải.

 

bieu tinh o Ottawa anh 1
Hình ảnh đoàn xe trong cuộc biểu tình chống lại các biện pháp phòng dịch của chính phủ Canada. Ảnh: AP.

Đoàn xe Tự do ban đầu là phong trào phản đối yêu cầu tiêm vaccine của giới lái xe tải xuyên biên giới, sau đó biến thành một cuộc biểu tình chống lại các biện pháp phòng dịch của chính phủ, cổ xúy cho xu hướng chống tiêm chủng.

Những người biểu tình đã làm tê liệt trung tâm thành phố Ottawa trong những ngày qua. Một số người tham gia còn nói rằng họ muốn giải tán chính phủ Canada.

“Cuộc biểu tình chưa từng có”

Hoàng Yến và Quỳnh Anh, du học sinh ở Ottawa (Canada), cho biết trong gần 3 năm sống tại thành phố này, họ chưa bao giờ chứng kiến một cuộc biểu tình kéo dài như vậy.

Nhiều người Việt sống lâu năm tại Ottawa và người dân bản địa cũng phải thốt lên rằng đây là một cuộc biểu tình chưa từng có tiền lệ, hai du học sinh nói.

Cùng quan điểm với Hoàng Yến và Quỳnh Anh, chị Trần Linh, một huấn luyện viên yoga ở Ottawa, cũng chia sẻ: “Tôi đã ở đây hơn một năm và từng thấy vài cuộc biểu tình. Nhưng chúng diễn ra theo nhóm nhỏ và chỉ trong vài ngày, chưa lần nào biểu tình kéo dài như vậy”.

bieu tinh o Ottawa anh 2
Hình ảnh chị Trần Linh và chồng ở Ottawa, Canada. Ảnh: NVCC.

“Một đồng nghiệp của tôi không thể đưa con đi tiêm chủng, vì tình trạng kẹt xe trên đường phố khiến họ không thể di chuyển được. Nhiều người cũng phàn nàn khi phải liên tục chịu đựng tiếng còi xe. Điều này khiến họ khó chịu và mất ngủ”, Linh nói.

Theo Hoàng Yến, những tuyến xe buýt ở khu vực trung tâm đều bị hủy. Một người bạn của Yến không thể di chuyển đến chỗ làm ở khu vực này bằng xe buýt như thường ngày. Thay vào đó, cô phải đi tuyến buýt đến khu phố lân cận, rồi đi bộ tới chỗ làm.

Quỳnh Anh cũng chia sẻ cô bị choáng ngợp trước quy mô của cuộc biểu tình “Đoàn xe Tự do”.

“Đường phố tràn ngập tiếng còi xe inh ỏi khiến nhiều người mắc chứng đau đầu như tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Một số trường hợp phải nhập viện vì tiếng ồn và nỗi sợ hãi ngày càng gia tăng. Nhiều hàng quán cũng đóng cửa vì lo sợ một vài phần tử quá khích trong cuộc biểu tình”, Quỳnh Anh nói.

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của cuộc biểu tình đến sức khỏe của người dân. Việc chịu đựng tiếng ồn liên tục có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần và thể chất, Chantal LaRoche, giáo sư tại Đại học Ottawa, cho biết.

Sợ hãi khi bước ra đường

“Tôi và nhiều người bạn sống ở khu trung tâm cũng không dám ra đường vào ban đêm vì sợ nguy hiểm”, Hoàng Yến nói.

“Có lần đi ngang qua trung tâm vào buổi chiều muộn, tôi thấy những người biểu tình dựng lều ngủ trên phố, có cả quầy bán đồ ăn thức uống cho họ. Thậm chí, họ còn mở nhạc để cùng nhau nhảy trên phố”, cô kể lại.

Theo Hoàng Yến, nhiều người biểu tình cũng lớn tiếng cãi vã với người dân xung quanh.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của Quỳnh Anh, cuộc biểu tình khiến cô không dám đi ra ngoài vì lo sợ “không còn đường về”.

“Tôi đã phải hủy chuyến du xuân đã lên kế hoạch từ trước Tết Nguyên đán vì lo sợ đám đông biểu tình. Tình trạng tắc đường cùng những tiếng còi inh ỏi không hồi kết khiến nhiều con phố bị tê liệt hoàn toàn”, cô nói.

bieu tinh o Ottawa anh 3

Cảnh sát đi ngang qua những hàng xe tải và máy kéo đang đỗ dưới đường tại Ottawa vào ngày 6/2. Ảnh: Reuters.

Trần Linh chia sẻ bản thân cảm thấy không hài lòng với phản ứng chậm trễ từ chính quyền thành phố.

“Cuộc biểu tình này làm ảnh hưởng đến nhiều người nhưng chưa thấy cảnh sát có hành động thiết thực nào”, chị nói.

“Một tuần sau khi đám đông gây náo loạn, cảnh sát mới bắt đầu điều động thêm lực lượng. Thành phố cũng mới ra chỉ thị hôm 7/2 là sẽ cưỡng chế những người cung cấp xăng, củi,… cho nhóm người biểu tình. Họ cũng tuyên bố cảnh sát có quyền bắt giữ những ai bóp còi inh ỏi”, chị Linh cho biết.

“Tuy nhiên, lý do chính phủ phản ứng, giải quyết chậm thì không ai rõ”, chị Linh nói thêm.

Khi được hỏi về suy nghĩ của chị đối với lý do mà những người biểu tình đưa ra, chị Linh chia sẻ: “Tôi từng nhiễm nCoV hồi tháng một và hồi phục nhanh trong 7 ngày, phần lớn là nhờ tiêm chủng đầy đủ. Do đó, tôi không ủng hộ những người phản đối tiêm chủng”.

“Những người nhập viện điều trị do mắc Covid-19 không phải chi trả viện phí mà dùng bảo hiểm y tế, nhưng tiền bảo hiểm là từ thuế. Tôi cũng đóng thuế khá nhiều nên không muốn tiền thuế mình đóng góp, thay vì được đầu tư vào trường học hay các dự án phục vụ cộng đồng, lại được dùng để chi trả cho những người từ chối bảo vệ bản thân và cộng đồng”, chị Linh nói thêm.

Chị Trần Linh cũng lo ngại rằng nếu những người biểu tình lần này nhận được sự thỏa hiệp, trong tương lai sẽ có nhiều sự việc tương tự diễn ra.

Trong khi đó, giống như nhiều người dân ở Ottawa, Quỳnh Anh hy vọng tình hình sẽ sớm được kiểm soát để trả lại sự bình yên cho thành phố này.