Người Việt sang Canada làm nghề gì : Một đêm săn trùn kiếm 600-700 đô la Canada là chuyện bình thường
Mấy chục năm trước, trùn (giun) là cần câu cơm của dân nhập cư từ Ý, Bồ Đào Nha vừa chân ướt chân ráo sang Canada. Nay, nghề đã được “truyền” cho dân gốc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam.
Cao thủ trong nghề, một đêm săn trùn kiếm 600-700 đô la Canada là chuyện bình thường; “thấp thủ” cũng kiếm được 300 – 400. Những con số hấp dẫn này giải thích vì sao người Việt ở Toronto gọi săn trùn là nghề “lượm đô la”.
Buồn vui chuyện nghề
Xung quanh nghề này có biết bao chuyện lý thú. Người thì kể: săn trùn là nghề cực khổ nhất trần gian, khổ hơn làm ruộng nhiều. Suốt đêm lom khom ngoài đồng, bất kể mưa gió, hỏi sao không khổ. Xe chở người đi săn trùn bít bùng như xe chở tù và tanh tưởi mùi trùn. Người lại kể, đây là nghề “lượm đô la”, hễ trời ấm áp, có mưa là trùn nhiều như nấm sau mưa, tha hồ bắt. 420 con được tính một lon, đầu mùa có khi 17-18 đô la Canada/lon, lúc rẻ nhất cũng 8 đô la.
Người bắt giỏi mỗi đêm được cỡ 60-70 lon, thường thường bậc trung chừng 40 lon. Cứ vậy mà nhân lên thì biết nghề này kiếm nhiều tiền cỡ nào. Chẳng vậy mà dân bắt trùn chỉ đi xe xịn, đeo hột xoàn cỡ 5 ly trở lên. Mua nhà thì trả tiền mặt một lúc, đâu cần trả góp làm gì cho mệt. Cũng nhờ nghề bắt trùn, nhiều người có vốn mở shop, học hành thành tài. Không ít vị bác sĩ nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở đây thời sinh viên từng bắt trùn cuối tuần để có tiền hoàn thành bậc đại học.
Thực ra, chẳng có đồng tiền nào kiếm được dễ dàng cả. Mấy ngày đầu bắt trùn, toàn thân nhức đến độ không đứng thẳng được, đi đứng lom khom như tổ tiên loài người thời chưa tiến hóa, lên cầu thang phải bò. Có cô bé theo mẹ bắt trùn mùa hè từ năm 11 tuổi. Năm nay 17 tuổi, cô chẳng bao giờ dám mặc váy vì hai đầu gối lết trên mặt đất nhiều năm trở nên thâm đen. Rất nhiều người thử sức với trùn nhưng không phải ai cũng trụ lại được. Dẫu vất vả nhọc nhằn nhưng đó là một nghề lương thiện, dân bắt trùn đóng thuế đầy đủ và được hưởng trợ cấp thất nghiệp vào những tháng mùa đông, còn hơn dân trồng cỏ (cần sa) lâu lâu lại “được” xuất hiện trên mặt báo, làm cộng đồng phải xấu mặt.
Một đêm khó quên
Những câu chuyện ấy thôi thúc tôi “tầm sư học đạo”. Nằn nì mãi tôi mới được chị Nga – một người có thâm niên mười mấy năm trong nghề cho đi theo. Chị cứ nhìn mãi cái tướng sinh viên của tôi rồi nghi ngại: “Thức đêm nổi không đây?”. Tôi phải trấn an chị: “Cuối tuần em đi bưng phở từ sáng đến tối mà. Em thức đêm học bài hoài à. Coi vậy chứ em dẻo dai lắm”.
Ngồi trên xe trùn mới hay nghề này nay đã được chuyên nghiệp hóa. Trùn chỉ lên khỏi mặt đất để giao phối khi thời tiết ấm áp, đất ẩm ướt nên mùa trùn kéo dài khoảng 8 tháng, bắt đầu từ giữa mùa xuân đến mùa thu. Không phải đêm nào cũng có trùn nên chủ xe trùn theo dõi dự báo thời tiết trên TV, trên Internet kỹ lắm mới gọi điện thoại gom “quân”. Vậy mà có đêm kéo nhau tới farm (nông trại) rồi lại về không.
Đã qua cái thời được chủ nông trại cho bắt “free”, chỉ biếu vài chai rượu cho vui. Khi người Việt nhảy vào nghề trùn nhiều, thi nhau lấy lòng chủ nông trại thì họ cũng nhận ra đây là mối lợi. Nhiều chủ nông trại chỉ trồng trọt vài tháng theo đúng quy định của chính phủ rồi để đất trống cho thuê bắt trùn. Mỗi mùa trùn, chủ xe trùn phải trả hàng ngàn đô la cho chủ nông trại mới được đổ quân xuống. Bởi vậy, chủ xe trùn phải có kinh nghiệm để “lượng giá” coi nông trại nào có tiềm năng trùn mới quyết định “mua”.
Trùn bắt được để làm gì mà cao giá như vậy? Một dân trong nghề nói: “Nghe đâu để làm mỹ phẩm, để bán cho dân đi câu. Một tá trùn (12 con) tính cả thuế (ở Toronto, ngoại trừ thực phẩm, mua cái gì cũng phải cộng thêm 15% thuế) hơn 3 đô chớ ít gì”. Ngay cả chủ trùn cũng không có câu trả lời chính xác, vì họ chỉ chở trùn đến kho lạnh bán cho các công ty thu mua của Mỹ.
Dân đi trùn có hai loại: chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Nhiều người làm hãng mỗi giờ hơn 20 đô la vẫn tranh thủ bắt trùn vào những ngày cuối tuần. Còn dân chuyên nghiệp thì chủ trùn “ới” một tiếng là có mặt ngay. Lạ một điều, phụ nữ bắt giỏi hơn đàn ông, có lẽ vì họ dẻo dai và kiên nhẫn hơn. Dân đi trùn quả thực tiền bạc rủng rẻng. Trong bóng tối, những đôi bông tai kim cương của các chị sáng lấp lánh. Họ kể chuyện mua nhà, đổi xe nghe sao mà nhẹ nhàng. Năm nay ít mưa, kinh tế Mỹ đi xuống nên giá trùn không cao bằng mọi năm, nghề trùn năm nay có vẻ “thất bát”. May mà ai cũng có thêm nghề tay trái, thường là nghề may, để làm thêm những ngày không đi trùn.
Xe chở chúng tôi đến nông trại (vùng North York) thuộc loại chất lượng cao với những băng ghế nệm dài, nước uống, khăn giấy xài thoải mái. Mất hơn 2 tiếng, khi trời sụp tối, mới tới nơi. Xe vừa ngừng, mọi người hối hả nhảy xuống tự trang bị để bắt tay vào việc ngay. Trông họ kỳ dị thực: trán mang đèn như dân soi ếch, đầu đội cây dù nhỏ, vai đeo ba lô đựng bình sạc, túi đựng trùn. Người thì mặc mấy lớp áo quần, bên ngoài khoác bộ đồ đi mưa. Chân đi ủng, tay thì đeo găng như bác sĩ phẫu thuật. Chưa hết, một bên chân đeo thùng đựng trùn, chân còn lại đeo thùng đựng cám nên đi đứng khệnh khạng như robot. Rồi tôi cũng được trang bị thành một robot như thế. “Nếu không, sẽ không chịu nổi sương giá suốt đêm đâu”, chị Nga vừa giúp tôi mang những thứ lỉnh kỉnh ấy vừa giải thích.
Mọi người nhanh chóng tỏa đi khắp cánh đồng. Với họ, thời giờ đúng là tiền bạc. Trên mặt đất, vô số trùn đang từng đôi “tình tự”. Không hiểu sao Canada lại nhiều trùn đến thế. Trời ạ, trùn ở đây lớn khủng khiếp, như chiếc đũa. Thấy tôi đứng ngẩn ra nhìn, chị Nga giục: “Bắt đi chứ”. Lấy hết can đảm, tôi thò tay chụp một con và kéo lên. “Nạn nhân” đầu tiên của tôi bị kéo dài ra tới mấy tấc rồi… đứt. Sư phụ của tôi bật cười: “Nhúng tay vào cám cho khỏi trơn. Trùn đứt phải bỏ đi. Coi chị bắt nè. Nhớ đếm nghe! 420 con đủ một lon là trút vào bao vải, xong cột chặt miệng lại. Có người mới vào nghề không cột chặt miệng bao, trùn bò đi hết, sáng ra chỉ còn mấy cái túi không”.
Nhìn chị hai tay thoăn thoắt chụp trùn, cứ đủ 10 con lại bỏ vào lon, tôi ao ước mình biết cửu âm bạch cốt trảo, khinh công, để bắt cho nhanh và đi đứng nhẹ nhàng cho trùn khỏi lẩn xuống đất. Vật lộn với đám trùn suốt ba giờ đồng hồ, tôi mệt đến độ tháo ủng, chỉ mang vớ cho dễ di chuyển. Đột nhiên, chiếc đèn sạc tôi mang theo yếu dần rồi tắt hẳn. Tôi hoảng hốt ngẩng lên mới hay chung quanh tôi tối đen, không một bóng người. Tôi sợ đến suýt khóc. Như cậu bé lạc trong rừng trong truyện cổ tích, tôi chỉ biết nhắm theo đốm sáng ở xa tít mà băng băng đi tới. Đến nơi mới hay đó là những người tôi chưa bao giờ gặp. Tôi bỗng bật khóc ngon lành. “Đừng sợ! Lần đầu tiên đi trùn hả em? Đi tìm xe của em à? Đêm nay có tới 3 xe trùn đổ xuống đây”, người phụ nữ nói giọng miền Trung ôm nhẹ vai tôi dỗ dành.
Nhìn đôi chân trần với đôi vớ ướt đẫm của tôi, mọi người vội vàng tìm bao nilon bó vào chân cho tôi. Anh Hồng, quê ở Nha Trang, kêu lên: “Phải dắt em đi tìm xe của em, em sẽ bệnh mất thôi”. Khi “trẻ lạc” tìm thấy phụ huynh thì mọi người không cho tôi bắt trùn nữa, ấn tôi lên xe thay quần áo: “Ngủ một chút đi em. Cũng gần sáng rồi”. Nhưng làm sao tôi ngủ được sau những gì vừa mới trải qua lần đầu tiên trong đời. Ngồi bó gối trên xe, tôi nhìn những ánh đèn leo lét, những bóng người lặng lẽ bắt trùn trên cánh đồng mà thấy ấm áp hẳn, ai dám bảo cuộc sống chạy theo đồng tiền bên này khiến lòng người trở nên lạnh lùng?
Trời vừa mờ sáng là lũ trùn trốn biệt tăm. Đó cũng là lúc mọi người gom bao trùn về đếm giao cho chủ xe. Vô số túi trùn bắt được đêm qua ném rải rác khắp cánh đồng, mọi người phải đi lội khắp nơi nhận diện bao nào của mình để gánh về. Nhìn các chị tung tẩy gánh trùn trên vai, tôi nhớ hình ảnh các cô thôn nữ gánh những gánh lúa vàng ở quê nhà.
Bình minh trên nông trại đẹp vô cùng. Thực sự, cảnh mặt trời đỏ rực dần nhô lên trên những ngôi nhà Bắc Mỹ chỉ có thể cuốn hút người khách lạ như tôi. Trên đường về, những người bắt trùn trên xe không còn sức lực để ý đến ngoại cảnh, thậm chí đến mở nắp chai nước cũng phải nhờ tôi. Một đêm bắt trùn đã lấy đi của họ quá nhiều sức lực.