Nhật Bản sẽ dùng lao động nước ngoài dọn dẹp lò phản ứng hạ.t nh.ân.

Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) tuyên bố sẽ sử dụng lao động nước ngoài để dọn dẹp nhiên liệu trong các lò phản ứng hạt nhân sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện Fukushima Daiichi.

 

 

TEPCO trước đây từng sử dụng kỹ sư nước ngoài trình độ cao ở Fukushima, nhưng lại không chấp nhận lao động từ nước khác để dọn dẹp nhiên liệu hạt nhân do công việc yêu cầu vốn tiếng Nhật thành thạo để hiểu rõ hướng dẫn kỹ thuật, theo AFP.
Tuy nhiên, chương trình visa mới của chính phủ mở rộng cơ hội cho người nước ngoài với trình độ tiếng Nhật tốt trong 14 lĩnh vực bị thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

 

 

“Chương trình visa mới được thiết kế nhắm vào những lao động có tay nghề cụ thể và năng lực ngôn ngữ nhất định. Chúng tôi sẽ chấp nhận người nước ngoài nếu họ đáp ứng đủ yêu cầu”, nữ phát ngôn viên TEPCO Mayumi Sugahara nói với AFP ngày 18.4.

Trước đó, tờ The Guardian ngày 15.4 đưa tin các công nhân bắt đầu di dời những thanh nhiên liệu hạt nhân khỏi bể chứa gần lò phản ứng số ba tại nhà máy điện Fukushima Daiichi, rồi sau đó di dời nhiên liệu hạt nhân bị nóng chảy nằm sâu bên trong, dự kiến đến năm 2021 mới hoàn tất.

 

Nhật Bản sẽ dùng lao động nước ngoài dọn dẹp lò phản ứng hạt nhân - ảnh 1

Kiểm tra phóng xạ tại nhà máy điện Fukushima Daiichi Reuters

 

TEPCO đồng thời lên kế hoạch di dời nhiên liệu từ phòng chứa lò phản ứng số một và hai vào năm 2023. Theo bà Sugahara, hiện có khoảng 7.200 người đang làm việc tại Fukushima Daiichi.

Trong năm 2018, truyền thông Nhật Bản lần lượt đưa tin phản ánh nhiều vụ thực tập sinh Việt Nam bị các công ty lừa vào dọn dẹp rác phóng xạ tại Fukushima Daiichi.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị sự cố rò rỉ phóng xạ sau trận động đất dẫn đến sóng thần hồi năm 2011. Đây là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ vụ nổ nhà máy điện hạt nhận Chernobyl năm 1986.

Với chính sách visa mới, chính phủ Nhật kỳ vọng thu hút được khoảng 35.000 lao động nước ngoài cho 14 lĩnh vực trong vòng 5 năm tới. Đây được xem là bước thay đổi lớn trong chính sách di trú nghiêm ngặt của Nhật Bản.

 

Nguồn: Nguoivietonhat.com