Quê hương là mùi… nước mắm!

Người ta định nghĩa quê hương bằng nhiều lối, đối với tôi, cũng không là chùm khế ngọt hay con diều biếc, mà quê hương chính là mùi… nước mắm!

Đã là người Việt Nam, ai cũng mê nước mắm. Thích thì còn bỏ được, nhưng mê thì có phần đắm đuối, khó xa rời.
Tôi có ba tháng ở Mỹ năm 1955 theo học một khóa chuyên môn ở tiểu bang Indiana, thời đó chưa có người Việt nhiều, nhớ nhà thì ít mà nhớ nước mắm thì nhiều. Bởi vậy chúng ta, người đến Mỹ trong vòng hai, ba mươi năm nay, nên thông cảm cho những người Việt đến quận Cam này trước, còn cái mừng nào bằng, mấy tháng sau mới đi Los Angeles, mua được chai nước mắm.

Chúng ta nghĩ sao về sức mạnh của nước mắm khi mấy bà có “rể Mỹ” khoe, “thằng này mê nước mắm lắm!” Chuyện mê này khó lòng mà dứt ra được.

Mà phải nước mắm có mùi vị thơm tho gì cho cam! Lỡ có một giọt nước mắm dính vào áo thì mười giọt nước hoa cũng không át mùi nước mắm đi được. Nhưng bữa ăn của người Việt làm sao thiếu được nước mắm. Trong dĩa cá kho, tô canh, món rau chấm và thêm một chén nước mắm pha hay nước mắm chanh ớt để bên cạnh. Trong mâm cơm người mình, đi từ căn bản là chén nước mắm với cái trứng vịt luộc, món rau muống hay cải luộc của nhà nghèo, rồi xa hơn mới có dĩa cá kho hay tô canh.

Sản xuất nước mắm ở Phú Quốc, Việt Nam. (Hình: Getty Images)

Đối với tôi, nước mắm là món quà của Trời Đất dành cho người Việt Nam! Những quốc gia có bờ biển dài, nơi nào cũng có kỹ nghệ đánh cá, như Canada, Indonesia, Nga, Philippinnes, Nhật Bản, kể cả Hoa Kỳ… nhưng không nơi nào có sáng kiến làm được nước mắm và biết ăn nước mắm như Việt Nam. Trong khi đó chiều dài của bờ biển, chúng ta chỉ được xếp hạng thứ 33 trên thế giới.

Một nước gần gũi với chúng ta nhất về văn hóa và địa lý là Trung Quốc, có bờ biển 14,500 km, dài gấp 4 lần Việt Nam mà cũng không biết làm một chất nước chấm từ con cá mà phải ăn… xì dầu! Thế mới biết không phải người ta giàu vì rừng vàng biển bạc, mà có trí tuệ biết khai thác tài nguyên của thiên nhiên.

Xa quê hương, không cần phải thấy “khói sóng trên sông,” chỉ nghe mùi nước mắm là cũng đủ nhớ nhà. Bạn đi Pháp, sang Ý, lên Bắc Âu hay Bắc Á, qua Úc hay Tân Tây lan, cũng không tìm đâu ra mùi nước mắm, nhưng khi nghe được mùi nước mắm là “cầm được tay, day được cánh” thấy quê nhà bên cạnh rồi.

Không thể nào nhầm lẫn! Tô phở là của người Việt, tô mì là của người Tàu! Cũng không ai ăn phở với xì dầu, cũng như không ai chan mì với nước mắm! Sau 1,000 năm bị lệ thuộc dân Tàu, dân tộc Việt vẫn không thể nào thích nghi với… xì dầu, mà vẫn nặng lòng với nước mắm!

Chúng ta không thể phủ nhận rằng, nước mắm truyền thống chính là “tinh hoa của dân tộc,” và cũng là món “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam. Người Việt không thể thiếu nước mắm hay nói đến nước mắm là phải nghĩ đến người Việt.

Nhập nhèm nước mắm truyền thống và công nghiệp: Tiêu chuẩn mới càng không rõ ràng  - 1

Nước mắm truyền thống phải ủ chượp hàng năm trời mới ra hương vị đặc trưng của nước nắm. Nguồn: Dân trí.

Cá đem ướp muối trong vòng từ 6 tháng đến hơn một năm, trong những chiếc thùng bằng gỗ lớn, cho ta một thứ nước mắm tinh chất (nhĩ) đợt đầu, và sau đó là nước mắm các hạng, nhưng cũng là chất liệu làm từ cá biển. Vào thời nhiễu nhương, nước mắm bị pha chế bằng các loại phẩm bột màu, và “mùi” nước mắm, mà không cần đến cá biển. Ngày nay hóa chất có đủ loại hương vị, chúng ta có thể dễ tính, uống một ly sinh tố xoài mà không có chút xoài nào hay một ly cà phê không làm từ hạt cà phê!

Như vậy nước mắm Việt Nam không thể nào “made in USA” được mà may ra chúng ta chỉ có một thứ nước pha mùi và pha màu “giống như nước mắm!” tạm gọi là một thứ nước chấm, vì công đoạn ướp cá làm cho cá lên men và các nhà máy sản xuất nước mắm chưa đủ điều kiện vệ sinh thích hợp trong môi trường của nước Mỹ.

Mới đây, một dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm được đề xuất đưa ra. Câu chuyện xoay quanh chén nước mắm một lần nữa làm dậy song dư luận khi cơ quan chức năng đưa ra dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy định thực hành sản xuất nước mắm rất chặt chẽ. Nhiều tiêu chí được cho là không thể phù hợp với quy trình sản xuất nước mắm truyền thống mà chỉ phù hợp với nước chấm sản xuất công nghiệp, chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho những nhà sản xuất nước mắm truyền thống.

Dù sao vấn đề này là một vấn đề rất lớn và ảnh hưởng đến cái gọi là “hồn” dân tộc. Nhưng với quan điểm cá nhân thì chắc hẳn mọi người dân sẽ đều ưa thích cái “vị” đặc trưng của nước mắm truyền thống, không thể nào mà lẫn vào đâu được.

Theo Huy Phương – Báo Người Việt

( Nội dung bài viết đã được edit lại)