Sống giữa trời Âu, nhiều mẹ vẫn ở cữ cả tháng, không tắm, không ra ngoài sau sinh
Dù sống giữa đất nước Anh hiện đại nhưng nhiều mẹ Trung Quốc vẫn giữ quan điểm trong vòng 1 tháng sau khi sinh con, phụ nữ tuyệt đối không được ra khỏi nhà.
Sống giữa lòng châu Âu vẫn kiên trì “ở cữ” sau sinh
“Kiêng không ra ngoài sau sinh là vấn đề cực kỳ quan trọng” là câu mở đầu cuộc phỏng vấn của Ching Ching Turner với kênh truyền hình BBC. Người phụ nữ Trung Quốc đang sống tại London (Anh) này cũng cho biết tính đến nay cô đã ở trong nhà suốt 28 ngày sau khi sinh. Buổi phỏng vấn cũng chỉ có thể thực hiện thông qua cuộc gọi video vì trong tháng cữ, cô không thể tiếp khách đến nhà chơi.
Theo bà mẹ này, từ xưa đến nay, người Trung Quốc đều tin rằng ở cữ là việc tất yếu phải thực hiện sau khi sinh do lúc này khả năng miễn dịch của mẹ và bé đều rất yếu, nhạy cảm với không khí lạnh nên cực dễ bị ốm. Thậm chí ở đất nước triệu dân này còn có những bệnh viện đặc biệt dành riêng cho mẹ ở cữ sau sinh trong 1 tháng và họ sẽ chỉ gặp con mỗi ngày một lần.
“Nếu bạn không ở cữ có nghĩa là bạn đang hại chính mình”, Ching Ching nhấn mạnh. Cô cũng tự nhận là mình còn là người “ở cữ hiện đại” vì vẫn tắm rửa thường xuyên.
Ban đầu, Ching Ching gặp không ít khó khăn khi phải thuyết phục người chồng sinh ra và lớn lên ở Anh của mình tuân theo đúng quy tắc ở cữ truyền thống.
“Anh ấy muốn khoe em bé với mọi người nên ban đầu hơi khó khăn một chút. Vậy nhưng chúng tôi cũng sắp hoàn thành tháng cữ rồi và anh ấy đã thấy được lợi ích của nó”, Ching Ching chia sẻ.
“Ở cữ” có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh hoặc giấu bệnh
Theo bác sĩ Kit Wu, một nhà thần kinh học tại bệnh viện King’ College, ở cữ sau sinh là một truyền thống đã khắc sâu trong văn hóa Trung Quốc và “thậm chí chính tôi cũng thực hiện điều đó”.
“Một số quy tắc rất nghiêm ngặt trong ở cữ là mẹ không được uống đồ nặng, không được tắm rửa, gội đầu và không ra khỏi phạm vi ngôi nhà của mình.
Bác sĩ Wu cho biết chính cô cũng không thể “cãi” gia đình khi bị buộc ở cữ.
Thậm chí, có một số người nghiêm khắc hơn thì không ra khỏi giường trong hai tuần đầu và sau đó hạn chế tối thiểu việc vận động”, bác sĩ Wu giải thích.
Trong phạm vi nghiên cứu của mình, vị tiến sĩ này đặc biệt quan tâm đến hậu quả của việc ở cữ đối với tinh thần của bà mẹ.
“Những bà mẹ mới sinh mà phải ở cữ sẽ có cảm giác bị cô lập và không thể tự xử lý những vấn đề cảm xúc của bản thân. Ngoài ra, họ cũng thường giấu các triệu chứng bệnh vì trong quan niệm của người Trung Quốc, tháng cữ là tháng hạnh phúc, cần kiêng đến những nơi như bệnh viện”, bác sĩ Wu cho biết.
Ở cữ có thể khiến chị em phụ nữ mang tâm lý giấu bệnh của bản thân và con. (Ảnh minh họa)
Cô cũng lo lắng rằng khi các bà mẹ hoặc bé có vấn đề về sức khỏe trong cữ, họ sẽ tự tìm cách giải quyết và hậu quả là khiến bệnh thêm nặng hoặc dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên, việc loại bỏ một quan điểm đã “ăn vào gốc rễ” của mỗi người châu Á là cực kỳ khó. Chính vì vậy, trung tâm y tế công cộng tại Anh đã áp dụng biện pháp đào tạo những nữ hộ sinh đặc biệt. Họ được tìm hiểu cặn kẽ về những quan niệm ở cữ của người Trung Quốc và tìm cách dung hòa nó với quan điểm khoa học, hiện đại.
Sau khi sinh, những nữ hộ sinh này sẽ chăm sóc sản phụ một cách khoa học trong khi vẫn tôn trọng quan điểm muốn ở cữ của gia đình.