Sống ở Việt Nam được làm công việc mình yêu thích dù lương ít: Đến khi qua Tây đi rửa chân cho người ta thấy mà nản

Cỏ bên kia đồi có xanh hơn chỉ được trả lời khách quan nhất với những ai đã từng trải nghiệm cuộc sống trên đất Mỹ và dám nhìn thẳng vào hai mặt được – mất của vấn đề.

Tôi gọi điện cho mẹ, thông báo: “Mẹ, con đậu học bổng trường top ở Mỹ, con có 6 tháng về nhà nghỉ ngơi trước khi chính thức nhập học”.

Mẹ không vui mừng như tôi nghĩ, hoặc là mẹ vui mà giấu trong lòng. Nhưng câu đầu tiên mẹ nói với tôi sau khi nghe thông tin tôi đậu học bổng: “Cố gắng lấy chồng Mỹ rồi nếu được thì bảo lãnh anh trai mày qua Mỹ. Chứ ở đây cực quá!”. Tôi nghẹn họng, chẳng nói thêm được gì, vội vàng cúp máy.

1.

Khu vực tôi ở là một vùng ngoại ô nước Mỹ và khá hiếm người Việt. Nhưng phải ở những chỗ xa xôi, buồn tẻ thế này, người Việt mới có cơ hội kiếm tiền. Hai người bạn cùng phòng trạc tuổi tôi, làm nghề nail (làm móng tay móng chân) và khá kiệm lời. Họ làm việc mỗi ngày 12 tiếng và 7 ngày mỗi tuần. Nhiều lúc nhìn họ làm việc quần quật, tôi tự hỏi, động lực nào để mỗi sớm họ đều có thể thức dậy đi làm, khi mà biết rằng ngày hôm nay của họ không khác gì những ngày hôm trước. Cả hai hầu như không có thời gian vui chơi hay nghỉ ngơi, cũng không có bạn bè ở Mỹ hoặc một sở thích đam mê nào khác.

Tùng, một trong hai bạn ấy, theo bố mẹ qua Mỹ từ năm anh học lớp 12, rồi bỏ học vì phải phụ bố mẹ kiếm tiền. Cậu làm nghề lái xe tải 5 năm, nhưng sau cuộc tình đổ vỡ với bạn gái vì cái nghề nay đây mai đó, cậu quyết định đi học làm nail. Cũng sau đó, Tùng chuyển hướng từ tìm bạn gái ở đời thực sang tìm bạn gái qua Facebook. Sau một năm trò chuyện, vài tháng trước cậu về Việt Nam gặp mặt. Cả hai quyết định tiến tới hôn nhân. Đám cưới nghe đâu sẽ diễn ra ở biển, tại một resort rất sang trọng ở Phan Thiết. Tôi không nghi ngờ về mức độ chịu chơi và chịu chi cho đám cưới của Tùng. Nhưng điều tôi lo nhất, đôi khi mức độ chịu chơi của anh lại khiến cô gái kia mơ tưởng hão huyền về một cuộc sống như mơ ở Mỹ. Tôi không biết cô gái ấy đã chuẩn bị tâm lý để bước vào nghề nail sau cái đám cưới xa hoa ấy chưa, cũng không biết Tùng có tiết lộ thực tế rằng, cuộc sống nghề nail không hề dễ dàng, sẽ phải bắt đầu từ việc đi rửa chân cho khách và phải chấp nhận sống ở vùng nông thôn buồn tẻ nếu không muốn cơ hội việc làm bị cạnh tranh.
Khác với Tùng, Nhân đã có vợ và con trai 2 tuổi ở Việt Nam. Cậu chỉ vừa sang Mỹ được 3 năm, trước đó, cậu tốt nghiệp đại học kinh tế và làm kế toán ở Việt Nam. Thời gian đầu mới sang, Nhân đi làm nhà máy với đồng lương 10 USD/giờ, mỗi tuần chỉ được phép làm tối đa 40 giờ. Tổng thu nhập 1 tháng khoảng 1.600 USD chưa trừ thuế và dĩ nhiên khoản thu nhập đó chỉ vừa đủ chi tiêu. Nhân quyết định theo nghề nail vì nghề này có thêm tiền boa từ khách.

Trước lúc tôi rời đi, Nhân nhờ tôi dắt cậu ra ngân hàng đổi một xấp tiền 2 USD mới cáu. Cậu bảo, để dành làm tiền lì xì lúc về Việt Nam ăn tết. Cậu sợ sau khi tôi đi, không còn ai có thể dắt cậu ra ngân hàng nữa. Tôi thắc mắc tại sao lại lì xì tiền USD, vì 2 USD tính ra chưa tới 50.000 đồng mà sau khi nhận lì xì tụi nhỏ phải mất công đi đổi nữa thì tội nghiệp lắm. Nhân nhìn tôi cười khì, nhưng lì xì tiền Việt thấy ít quá người ta chê, vì người ta nghĩ Việt kiều về nước thì phải cho nhiều. Nên thôi lì xì USD cho đỡ mất sĩ diện.

2.

Vợ chồng bạn tôi, chủ nhà trọ cũng là chủ tiệm nail, sống ở Mỹ gần 15 năm. Do trình độ tiếng Anh hạn chế, cứ mỗi lần đi gặp bác sĩ hoặc có công việc liên quan đến giấy tờ, vợ chồng anh nhờ tôi làm phiên dịch.

Hai vợ chồng có một cậu nhóc chỉ vừa 8 tuổi. Cậu bé tên Duy. Lần đầu tiên tôi gặp Duy là khi cậu bị cô giáo mời phụ huynh đến, thông báo rằng Duy mang theo một số tiền lớn mua đồ chơi từ một bạn học trong lớp. Số tiền đó Duy cho biết đã lấy trộm từ ví của mẹ. Duy bảo em muốn bạn học chơi với mình nên đã lấy trộm tiền mua đồ chơi từ bạn. Lần thứ hai gặp gỡ, Duy đang bị bố bắt ngồi ở bàn làm bài tập. Biết bố mình không hiểu tiếng Anh, Duy đánh đáp án theo kiểu rủi may, hy vọng hoàn tất bài sớm để được chơi. Trò láu cá của cậu bị tôi phát hiện.

Tôi bắt đầu dành thời gian nói chuyện và chơi cùng cậu bé. Tôi nghĩ, ở độ tuổi mà sự tò mò của đứa trẻ được khơi dậy, điều quan trọng nhất người lớn cần làm là giải thích những câu hỏi nhỏ to cho đứa trẻ vì điều này góp phần quan trọng vào sự hình thành nhân cách của trẻ đồng thời tạo sự kết nối giữa người lớn và trẻ nhỏ. Nhưng có lẽ, bố mẹ Duy không coi trọng điều này. Trước khi tôi đến, vì quá bận, mỗi lần tan học, họ lại chở Duy về tiệm nail rồi tiếp tục cắm mặt vào làm đến tận 9 – 10 giờ tối. Mùa hè, khi mà những đứa trẻ khác được đi biển, đi công viên quốc gia, hoặc đơn giản là cùng với lũ trẻ hàng xóm chơi đá bóng thì Duy bị nhốt ở tiệm, không biết làm gì ngoài việc ngồi đếm thời gian trôi. Vợ chồng bạn tôi giải thích, mùa hè là mùa kiếm được nhiều tiền nhất, nên kể cả cuối tuần, hai vợ chồng cũng tranh thủ đi làm để bù lại khoản thu nhập thấp vào mùa đông.

Kể từ lúc gặp tôi, mỗi ngày sau khi đi học về, việc đầu tiên của Duy là ghé qua nơi tôi ở, rủ tôi ra sân chơi cùng cậu. Duy không yêu cầu tôi phải chơi trò gì, miễn là tôi dành thời gian nói chuyện cùng. Có hôm tôi bảo mệt, cậu bé chạy lại đấm lưng cho tôi, bảo, con đấm lưng cho cô hết mỏi rồi cô chơi với con nhé. Có lần tôi đang bận rửa chén, Duy chạy lại xắn tay rửa giúp, bảo, con rửa chén giúp cô rồi cô chơi cùng con nhé. Thằng bé làm tôi ngạc nhiên vì nó hiếm khi làm những việc này để giúp bố mẹ nó. Tôi nhận ra, điều cậu bé cần nhất trong cuộc sống này có lẽ chỉ đơn thuần là một người bạn.

Ngày bạn chở tôi ra sân bay, tôi hỏi: “Này, anh có nghĩ mình đã sai trong việc nuôi dạy con trai anh không. Thằng bé cần ai đó để chơi cùng!”. Anh hắng giọng, trả lời: “Anh biết chứ, nhưng anh không có thời gian rảnh. Em biết đấy, ngày nào anh cũng ở tiệm nail hơn 12 tiếng đồng hồ để kiếm tiền”.

“Vậy, anh cần tiền để làm gì? Em không thấy anh dùng tiền để tận hưởng cuộc sống. Còn nếu anh bảo anh làm vì tương lai con cái, thì có lẽ cũng không đúng, vì điều con trai anh cần nhất bây giờ là sự quan tâm của bố mẹ”.

Cả tôi và anh im lặng trên suốt chặng đường còn lại.

Đã từ lâu, Mỹ trở thành biểu tượng của giấc mơ, kể cả những người như tôi, phải nỗ lực rất lớn để giành được một suất học bổng ở đất nước này.

Nhưng có lẽ chỉ những ai đã từng lăn lộn ở xứ này mới hiểu, nước Mỹ sẽ là bệ phóng cho những người có đủ nghị lực, ý chí và không ngại gian khó bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng có thể sẽ là mảng trời tăm tối cho những ai chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và vốn sống.

Thanh Niên