Sự thật về lớp bọt trên bề mặt nồi nước hầm và thực phẩm: Có lợi hay hại, nên bỏ hay giữ?
Vốn nhiều bà nội trợ thường vớt hét lớp bọt trên bề mặt nồi nước hầm. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc hớt sạch sẽ lớp bọt này cũng là đúng đâu nhé.
Một hiện tượng thú vị khi nấu canh, pha cà phê hay nấu sữa đậu nành trong một thời gian thì bề mặt thực phẩm sẽ nổi lên lớp bọt. Không ít người tin rằng lớp bọt gồm toàn những tạp chất độc hại, thường vớt bỏ đi đối với canh, còn với cà phê hay sữa đậu nành thì vô hại nên để lại. Sự thực liệu có phải như vậy? Cùng tìm hiểu kỹ hơn nhé.
1. Lớp bọt đó rốt cuộc là gì?
Khi nấu canh hay hầm xương trong một thời gian, bề mặt nồi sẽ nổi lên lớp bọt và bạn có lẽ đã từng thắc mắc rốt cuộc chúng là gì, phải không? Thực chất, lớp bọt này là protein hòa tan. Một số protein có đặc tính tạo bọt tốt, chẳng hạn như bột yến mạch, khiến protein hình thành bong bóng trong quá trình nấu do đun sôi. Ngoài protein, lớp bọt cũng có một số thành phần hợp chất khác khá phức tạp nhưng nhìn chung chúng vẫn vô hại với con người.
Lớp bọt trắng nổi trên bề măt canh xương hầm thường không gây hại nhiều tới người sử dụng.
2. Có thể ăn lớp bọt của nước canh hầm xương không?
Trong quá trình hầm thịt hay sườn heo bằng nước sôi, giai đoạn đầu sẽ có chất béo, máu, tạp chất và các chất khác trong thịt sẽ xâm nhập vào lớp bọt. Thường những lớp bọt đầu tiên này sẽ có màu đen và bạn phải loại bỏ khi chúng nổi trên bề mặt nước sôi.
Lớp bọt đầu tiên của nồi nước hầm thường có màu đen hoặc hơi đục và bạn phải loại bỏ lớp bọt này.
Tiếp đó hãy đợi cho đến khi bọt chuyển sang màu trắng, đây mới chính là lớp bọt chứa các thành phần protein hòa tan trong thịt nên bạn có thể ăn hoặc nếu muốn nước canh không béo, vị thanh nhẹ bạn cũng có thể hớt bớt đi, song đừng làm quá sớm bởi nó sẽ làm mất đi khá nhiều dưỡng chất của nồi nước hầm.
Nếu giữ lớp bọt lâu một chút, nồi nước hầm sẽ có nhiều dưỡng chất hơn, sau cùng bạn vẫn có thể hớt bớt đi hoặc chắt lọc lại thì nồi nước dùng sẽ trong vắt.
3. Lớp bọt trong nồi lẩu có thể ăn hay không?
Trái ngược với lớp bọt trắng của nồi nước hầm xương, lớp bọt nổi lên trong nồi lẩu lại chứa khá nhiều chất béo, máu dư và các tạp chất khi đun sôi. Hầu hết chúng đến từ những thức ăn nhúng vào nồi lẩu như thịt, hải sản, hay rau củ. Dù một vài tạp chất trong lớp bọt có lợi, song chúng chiếm không lớn nên việc loại bỏ lớp bọt khỏi nồi lẩu vẫn được xem là cần thiết.
4. Những lớp bọt trong một số thực phẩm, nước uống khác
Ngoài lớp bọt ở những nồi nước hầm, nước lẩu đun sôi thì bạn còn dễ dàng bắt gặp chúng ở những cốc cà phê, tách trà, sữa đậu nành hay cháo gạo và bột yến mạch nữa đấy. Hầu hết, những lớp bọt ở cà phê, trà, cháo gạo hay bột yến mạch đều có lợi, không gây hại hay ảnh hưởng gì quá nhiều nên bạn có thể sử dụng chúng.
Lớp bọt trong trà và cà phê đều có thể sử dụng được.
Tuy nhiên, đối với sữa đậu nành thì bạn cần cẩn thận hơn đấy, bởi ở lớp bọt trên bề mặt sữa khi được làm nóng là đại diện của sự “sôi giả” được tạo nên nhờ sự giãn nở nhiệt của saponin trong sữa đậu nành.
Những thành phần enzyme khác nhau như saponin và antitrypsin trong sữa đậu nành không dễ để hấp thu qua đường tiêu hóa, dễ dẫn đến ngộ độc, khiến người uống phải bị tiêu chảy, buồn nôn. Dĩ nhiên, phương pháp loại bỏ những thành phần này cũng rất dễ dàng, bạn chỉ việc tiếp tục đun sôi thêm 5 phút nữa sau khi sữa có hiện tượng “sôi giả” là có thể sử dụng được.