Tâm sự đau khổ của nữ Việt kiều sau ly hôn chồng Tây vì rào cản khác biệt lớn
Sang Mỹ theo tiếng gọi tình yêu nhưng Nhạn không thể ngờ sự khác biệt về tuổi tác, văn hóa đã đẩy cô và chồng xa nhau.
Sang Mỹ theo tiếng gọi của tình yêu với người đàn ông ngoại quốc hơn mình 35 tuổi, cô gái Vũ Thị Nhạn (Hà Nội) mang theo bao khát vọng về cuộc sống hạnh phúc giản đơn.
Vậy nhưng, sự khác biệt lối sống, văn hóa và nhiều lý do khách quan khác, khiến cuộc hôn nhân của họ rơi vào bế tắc. Để rồi cuối cùng, Nhạn lựa chọn làm mẹ đơn thân.
Nữ Việt kiều bên con trai.
Tình yêu cách nửa vòng trái đất
Ngược dòng thời gian, Nhạn chia sẻ, cô và chồng đã có chuyện tình đẹp. Anh David Brass từng rất giàu có khi còn phục vụ trong ngành hàng không. Tuy nhiên, năm 2009 sau biến cố phá sản vì đầu tư đất đai ở tuổi 52, anh trở nên khó khăn.
Lúc này, anh và người vợ đầu ra tòa ly hôn. Buồn chán, anh đến Việt Nam du lịch rồi ở lại làm quản lý quán bar trong TP.HCM. Nhạn đang học cấp 3, chuẩn bị du học ở Hàn Quốc, cô chưa bao giờ nghĩ đến việc yêu và lấy người nước ngoài.
Năm 2014, Nhạn về nước, chuyển vào TP.HCM lập nghiệp. Bằng vốn ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Hàn, Nhạn nhanh chóng kiếm được công việc tốt, thu nhập khoảng 2 nghìn đô la/1 tháng. Thời gian này, hai người quen biết, hay nhắn tin trò chuyện qua lại trên phần mềm chát.
Tình yêu đã khiến Nhạn từ bỏ cuộc sống, công việc thu nhập cao ở Việt Nam đến đất nước xa xôi làm vợ
Anh David Brass nhiều lần bày tỏ tình cảm với Nhạn nhưng cô từ chối. Tháng 9/2014, người đàn ông ngoại quốc về nước. Nhạn mới thấu hiểu tình cảm của mình dành cho David và hai người bắt đầu yêu nhau. Năm 2015, bạn trai cầu hôn và bày tỏ muốn đón Nhạn qua Mỹ sống.
Sau nhiều ngay thuyết phục gia đình, đấu tranh tư tưởng, cô quyết định bỏ lại tất cả, nhận lời làm vợ David.
Tròn 1 năm 4 tháng yêu nhau, David tranh thủ về Việt Nam làm thủ tục bảo lãnh Nhạn. Đây cũng là lần đầu tiên họ gặp mặt chính thức ngoài đời. Sau đó, David quay về Mỹ chờ đợi, Nhạn cũng nhanh chóng đặt vé bay sang với anh.
Quá trình bay gặp trục trặc, David tưởng rằng Nhạn trêu đùa mình vì đúng giờ hẹn, vẫn chưa thấy cô xuất hiện. Nhiều tiếng đồng hồ sau, chuyến bay đưa Nhạn đến Mỹ mới hạ cánh xuống sân bay. Hai người ôm chầm lấy nhau khóc vì hạnh phúc. Họ tổ chức một đám cưới nhỏ và chung sống trong căn nhà thuê.
Cuộc sống bình dị trôi qua nhưng nào ngờ, những mâu thuẫn về lối sống, tính cách đã đẩy họ xa nhau.
Nỗi buồn sâu thẳm sau đổ vỡ hôn nhân
‘Chung sống thời gian ngắn, tôi có bầu và ở nhà dưỡng thai, chờ ngày sinh nở. Nếu nói tôi sang Mỹ không lúc nào buồn chán là nói dối. Thú thực, ban đầu tôi cảm thấy cuộc sống buồn tẻ, chán nản.
Vì ở Việt Nam tôi làm ra tiền, muốn làm gì, đi đâu đều chủ động, không phụ thuộc ai. Từ khi sang Mỹ, tôi suốt ngày ru rú ở nhà không đi đâu được. Chỗ tôi ở thuộc vùng nông thôn, chạy xe 2 tiếng mới có chợ Việt Nam. Chồng đi làm cả ngày. Vợ chỉ ở nhà làm bạn với máy tính, điện thoại, hơn nữa lại đang bầu bí nên stress kinh khủng.
Tôi muốn ăn đồ Việt, đồ Châu Á cũng không có mà ăn. Từ nhỏ đến giờ tôi vốn ghét đồ ăn nhanh, bơ sữa kinh khủng mà giờ tôi phải ăn nó hàng ngày. Mỗi lần đến bữa ăn, tôi cảm thấy như cực hình. Sang mấy tháng mà sức khỏe tôi kém đi, do không hợp thực phẩm’, Nhạn tâm sự.
Nhạn trải lòng, cuộc hôn nhân đổ vỡ vì những khác biệt văn hóa, tuổi tác
Nữ Việt kiều chia sẻ thêm, đôi lúc cả hai vợ chồng đều stress, mỗi người thích một kiểu. Ban đầu, cả hai đều cố gắng vượt qua, cùng vì con mà dẹp những thú vui, cá tính riêng qua một bên.
Hai vợ chồng không khá giả, mọi chi phí sinh hoạt được lên kế hoạch tiết kiệm. ‘Khi mang thai, tôi mong có thể đi làm thật nhanh để đỡ đần cho chồng. Tính tôi vốn độc lập, mạnh mẽ từ bé, phải phụ thuộc vào kinh tế của anh khiến tôi tủi thân.
Ngày tôi sinh con, chồng cùng tôi trải qua những thời khắc mệt mỏi, đau đớn. Tuy nhiên, tháng ngày ở cữ thực sự là áp lực’, Nhạn tâm sự.
Quãng thời gian này, Nhạn phải tự chăm sóc mình và con. Mới mổ đẻ, vết thương chưa lành, cô đã ngồi dậy làm mọi thứ.
Nhạn ngày mới sinh con trai Kenny
‘Chồng đi làm từ sáng sớm đến tối muộn. Tôi gồng mình cố gắng. Người thân bên chồng lại ở xa, không có ai cùng chia sẻ, tôi rơi vào trạng thái bị trầm cảm nặng nề. Đầu óc lúc nào cũng đau, như sắp nổ tung.
Nếu ở Việt Nam, sản phụ được ăn đồ kiêng cữ, tăng chất lượng sữa cho em bé. Ở bên Mỹ, tôi chủ yếu ăn đồ ăn nhanh vì không thể nấu nướng được. Hôm nào tôi nấu nướng thì không có thời gian ngủ, chăm con hay dọn dẹp nhà cửa. Ngày đó, tôi cũng chưa biết chạy xe hơi. Cuộc sống luôn bủa vậy bởi sự ngột ngạt, mệt mỏi.
Phải thừa nhận, chồng cũ của tôi là người tốt, yêu vợ con nhưng khoảng cách tuổi tác lớn, khác biệt về nhiều thứ nên tôi bị cô đơn trong chính cuộc hôn nhân của mình.
Có thể, anh cũng hiểu điều đó nhưng vì lớn tuổi, công việc kiếm sống bên ngoài cũng cực nhọc nên sự quan tâm dành cho vợ không được nhiều. Trong khi lúc sinh đẻ, phụ nữ thường nhạy cảm, yếu đuối, cần sự động viên nhất.
Lâu dần, cả hai không còn tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn’, nữ Việt kiều gốc Hà Nội bộc bạch.
Bước vào hôn nhân bằng tình yêu nhưng phải buông tay vì bất đồng quan điểm sống, Nhạn trở thành mẹ đơn thân, đối mặt với bao khó khăn để kiếm sống nuôi con.
Cô giãi bày: ‘Tôi chưa bao giờ hối tiếc vì lấy chồng ngoại quốc. Chúng tôi đã từng rất hạnh phúc nhưng sau cùng, chẳng còn gì ngoài những kỷ niệm và nỗi buồn sâu thẳm. Hôn nhân không phải màu hồng, cuộc sống bên nước ngoài cũng vậy’.