Tất cả các nhà hàng Việt Nam đều như những bản sao giống hệt nhau
Lọt vào nhóm mười người xuất sắc nhất trong cuộc thi nổi tiếng MasterChef Česko có thiếu nữ gốc Việt Ta Thuy với biệt danh Chili. Theo nhận xét của cô, thì tất cả các nhà hàng Việt Nam ở Séc giống nhau như những phiên bản sao chép. Lí do chỉ vì sợ không dám thử nghiệm tìm tòi…
Có thể nói, là khi tham gia cuộc thi nổi tiếng MasterChef Česko đang được phát trên kênh truyền hình tư nhân NOVA có lượng người theo dõi lớn nhất ở CH Séc, Ta Thuy Chili đã trở thành cô gái gốc Việt được biết đến nhiều nhất hiện nay.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Žena-in, cô chia sẻ rằng bẩm sinh mình đã có vị giác cực kỳ nhạy cảm, nên biết cách tận hưởng đồ ăn. “Vì các món ăn làm tôi mê mẩn, cho nên tôi cũng rất quan tâm đến việc chuẩn bị nó. Từ bé tôi đã quanh quẩn với mẹ trong bếp, nhìn theo tay mẹ làm,” Chili kể.
“Theo tôi mọi ý tưởng hay đều phát sinh từ “lấy c.ắ.p” ở đâu đó. Mỗi người tìm phong cách riêng của mình, bằng cách thử sao chép và “ch.ô.m” từ người khác mà thấy có cảm hứng. Và từ đó xây dựng lên phong cách độc đáo nào đó. Tôi cho rằng điều đó cũng như trong nghệ thuật, trong ẩm thực và phong cách chế biến. Tôi tìm ý tưởng chủ yếu trong ẩm thực châu Á. Nhưng chắc chắn tôi không thể xác định, rằng phong cách của mình là hoàn toàn thuần Việt. Bởi mặc dù luôn tìm ý tưởng từ các công thức truyền thống, nhưng tôi không có nhu cầu tuân thủ nó. Tôi muốn đưa vào thêm chút sáng tạo, vui nhộn.” Chili chia sẻ và bình luận về những món ăn Việt còn thiếu trong các nhà hàng Việt Nam ở Séc: “Tôi cảm thấy thiếu bản lĩnh chế biến những món mà người Việt ăn ở nhà. Tất cả những gì nấu ở quán đều giống nhau như các bản sao chép. Không quan trọng khi bạn đến bất cứ nhà hàng Việt Nam nào, bởi vì khắp nơi thực đơn hầu như tương tự. Tôi cảm thấy tiếc, là người Việt không chế biến, mà chỉ sao chép những gì đã quen thuộc. Cho nên tôi không cảm thấy thiếu món gì đó cụ thể, mà là tính sáng tạo nói chung và các bí quyết địa phuong đích thực.”
“Tôi không cho rằng người Việt muốn đơn giản hóa đi, mà chủ yếu vì không dám thử nghiệm. Cũng như với các tiệm tạp hóa. Tất cả cứ hao hao như nhau. Không chỉ về phương diện chủng loại hàng hóa, mà cả hình thức thiết kế. Hay cả các tiệm làm móng. Tôi có cảm giác, là người Việt làm việc bằng cách quan sát và tuyên bố: Wow, kiểu này thành công đây, ta hãy sao chép nó toàn bộ. Và lí tưởng nhất là mở thêm ở đâu đó ngay bên cạnh đồng nghiệp. Và vì thế dẫn đến cả tình trạng tiêu diệt lẫn nhau. Hết sức vô nghĩa. Có thể tổng quát bằng một câu: thiếu can đảm, lòng quả cảm khẳng định mình.” (Žena-in)
theo Hương Sen/ Vietinfo.eu