Thư châu Âu: Câu chuyện nhỏ về việc nhường đường xe cấp cứu
Thưa quý anh chị,
Tôi cảm thấy hơi ngạc nhiên trước sự ngạc nhiên của một số bạn trẻ khi đồng loạt chia sẻ trên Facebook đoạn clip một xe cấp cứu hú còi chạy trên xa lộ của Đức và trầm trồ khen thái độ những người lái xe không ai bảo ai nhường đường cho chiếc xe đang chở bệnh nhân ấy. Đường đông xe lắm, dày đặc những xe, tưởng như khó có thể lách nổi. Nhưng camera trên xe cấp cứu đã ghi lại được cảnh từng chiếc, từng chiếc xe phía trước cứ thế nép sang hai bên vệ đường, chẳng khác gì cảnh nhà tiên tri Moses làm cho Biển Đỏ tách ra để những con dân người Do thái trở lại cố hương.
Tôi ngạc nhiên, bởi cái việc tưởng như quá đơn giản, bình dị và luôn gặp ở đây lại trở thành một sự lạ ở trong nước. Ở bên này, đã thành một thói quen, mỗi khi nghe thấy tiếng còi xe ưu tiên là tôi lập tức nhìn gương kính hoặc liếc gương hậu để xem tiếng còi phát lên từ phía nào, kể cả ở đường cao tốc có làn ưu tiên. Nếu xe ấy ở phía làn mình đang chạy, như một phản xạ tự nhiên, bao giờ các lái xe cũng chạy chậm lại và tấp vào bên lề gần nhất. Các xe khác đi trước hay sau cũng thế, hoàn toàn tự giác. Có lần tôi chứng kiến một xe đi trước chưa vào lề, xe chạy gần bên bấm còi để xe đó chú ý và tấp vào nhường chỗ cho xe ưu tiên. Luôn là như thế, trăm lần như một.
Tự dưng lại nhớ chuyện tương tự ở Hà Nội. Hôm ấy, đã thành thói quen, tôi tìm cách tránh đường cho một xe cứu thương, nhưng không tài nào làm được. Sắp tan tầm, đường bắt đầu đông, mọi người tràn ra khắp các phía, và thật kỳ lạ, hình như không ai nghe thấy tiếng xe cấp cứu, không ai muốn nhường đường cho nó, không ai hiểu được những tích tắc mất đi có thể hệ trọng như thế nào đối với một ai đó đang cần được đi bệnh viện, hoặc đang chờ xe cứu thương đến đưa đi. Biết đâu đấy, cùng lúc ấy, trên chiếc xe đó có người thân của một trong số cả nghìn người đang ken đặc trên phố.
Đường đông quá ư, hay vì tất cả cùng chỉ nghĩ tới bản thân mình, nghĩ đến việc cần phải chiếm một khoảng không trên đường, không để mất nó vào người khác, để tới đích nhanh hơn? Hoặc ai đó có nghĩ tới, nhưng rồi chặc lưỡi “đường đông quá, tôi tránh vào đâu?”.
Sống văn minh là một chuyện không đơn giản, nhất là khi ý thức đối xử giữa những con người với nhau còn quá thấp như thế (trong khi họ dò xét nhau từng li từng tí một trong cuộc sống bon chen này). Không thể nói rằng, chúng ta mới qua chiến tranh vài chục năm, dân trí còn thấp để bao biện cho những việc tưởng như rất nhỏ nhặt, như chẳng có mấy người chịu nhường đường cho xe ưu tiên (có lẽ trừ xe cảnh sát); không xếp hàng, hoặc không tránh đường cho bất cứ ai mà cứ ào vào các khoang thang máy vừa mới mở, người trong đó còn chưa ra hết.
Nói đến chuyện trời Âu để nói đến chúng ta. Đến bao giờ chúng ta mới thực sự quan tâm đến nhau theo đúng nghĩa của nó, thay vì để cho cuộc sống xô bồ và bon chen cuốn ta đi, để rồi đến một lúc nào đó, tự thấy mấy chữ “ý thức” hay “tử tế” là một từ lạ và hiếm trong từ điển sống của mình?
Hẹn gặp lại quý anh chị trong những thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)