Thực tập sinh Việt kể trải nghiệm bị quay lưng ở Nhật
Toan, thực tập sinh kỹ thuật 22 tuổi, năm ngoái bị đuổi khỏi ký túc xá sau khi nhiễm Covid-19, trở thành người vô gia cư và bị cơ quan hỗ trợ quay lưng.
Mùa hè năm ngoái, Ngo Dang Toan, thực tập sinh kỹ thuật làm nghề mộc tại thành phố Takamatsu, tỉnh Kagawa, Nhật Bản tới thăm nhà một người bạn tại Tokyo nhân dịp nghỉ lễ Obon. Tại đây, anh xuất hiện triệu chứng nhiễm nCoV và sốt trên 39 độ C, nằm liệt giường, Toan cho biết trong cuộc phỏng vấn được tờ Mainichi của Nhật đăng ngày 4/10.
Trong thời gian mắc Covid-19, anh Toan, 22 tuổi, không thể liên lạc với công ty để xin nghỉ làm, do nghiệp đoàn không có người phiên dịch tiếng Việt.
Hai tuần sau, Toan hồi phục và trở lại ký túc xá công ty ở thành phố Takamatsu thì bị lãnh đạo công ty chỉ trích vì không liên lạc, nói rằng “chúng tôi không cần những người như vậy, hãy ra khỏi ký túc xá”.
Anh liên hệ với nghiệp đoàn, thông báo sự việc và nói rằng mình không còn nơi nào để ngủ sau khi bị đuổi khỏi ký túc xá, song một nhân viên nghiệp đoàn nói với anh rằng “đó không phải việc của tôi”.
Trở thành người vô gia cư, Toan dùng điện thoại công cộng để gọi đến văn phòng tại thành phố Takamatsu của Tổ chức Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật (OTIT), cơ quan giám sát chương trình thực tập sinh, song cũng bị từ chối hỗ trợ.
“Nếu anh không có chỗ ở, hãy đến đồn cảnh sát”, Toan thuật lại lời của nhân viên OTIT trong cuộc điện thoại.
Nhờ một người bạn hỗ trợ, anh sau đó được Fukuyama Union Tampopo, một công đoàn ở tỉnh Hiroshima, giúp đỡ nơi ăn chốn ở. Toan cho biết trước đó, không một tổ chức nào đứng ra giúp đỡ anh.
Trả lời yêu cầu bình luận của Mainichi, văn phòng OTIT Takamatsu thừa nhận họ “có trách nhiệm cung cấp chỗ ở trong thời gian nhất định nếu thực tập sinh không chỗ ở liên quan đến nghiệp đoàn hoặc công ty tiếp nhận”, song từ chối giải thích cụ thể về từng trường hợp.
Theo Mainichi, chương trình thực tập sinh nước ngoài của Nhật, bắt đầu từ năm 1993, bị chỉ trích là chế độ “lao động nô lệ”, với mức lương thấp, trái với lý tưởng đóng góp cho cộng đồng quốc tế bằng cách chia sẻ công nghệ của Nhật Bản với các nước đang phát triển.
Các hành vi lạm dụng về ngôn từ và thể chất cũng như tình trạng nợ lương là những vấn đề phổ biến với chương trình thực tập sinh kỹ thuật, dẫn đến hàng loạt lao động bỏ trốn.
Hồi tháng 7, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản khi đó là Yoshihisa Furukawa cho biết chính phủ có kế hoạch xem xét toàn diện hệ thống thực tập sinh, trong bối cảnh nhiều câu hỏi được đặt ra về khả năng hỗ trợ các thực tập sinh nước ngoài của chương trình này.
Năm 2017, chính phủ Nhật thành lập OTIT để làm cầu nối giữa các công ty và nghiệp đoàn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp ngược đãi không được báo cáo, khi OTIT không phản hồi yêu cầu giúp đỡ của thực tập sinh, theo POSSE, một tổ chức phi lợi nhuận ở Tokyo chuyên xử lý các vấn đề về lao động và đói nghèo.
Theo dữ liệu của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đến tháng 6/2021, khoảng 202.000 thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật Bản, chiếm 63,8% số học viên quốc tế được đào tạo nghề tại quốc gia này.
Nguồn: VnExpress