Tôi thấy đúng đắn khi dồn tiền cho 2 con du học ở nước rẻ
Là bác sĩ tại một bệ.nh viện công, ông Trung (Hà Nội) không ngại đi làm thêm để tích cóp tiền cho 2 con trai học ở nước ngoài.
Dưới đây là chia sẻ của ông Văn Trung, 62 tuổi, một bác sĩ đã về hưu ở Đống Đa, Hà Nội về quyết định cho con đi du học từ chục năm trước. Hai con trai ông đều đã về nước và hiện có cuộc sống sung túc.
Mấy năm gần đây, du học hình như trở thành trào lưu, khi tôi thấy hầu như các mối quan hệ xung quanh ai cũng đang tìm cách cho con ra nước ngoài. 15 năm trước, khi quyết định cho cậu con trai đầu du học, thực sự tôi cũng không nghĩ con đường này về sau lại “hot” như vậy. Hồi đó, lý do tôi định hướng cho con đi rất đơn giản: Đi một đàng, học một sàng khôn, đồng thời tránh cơn lốc các tệ nạ.n xã hội đang càn quét vào các thành phố lớn.
Tôi có hai con trai. Cả hai cháu rất hiếu động, mải chơi hơn học. Kết quả học tập ở lớp của các cháu từ cấp một tới cấp 3 không có gì nổi bật. Nhưng tôi đã luôn tin tưởng các con có tố chất trí tuệ và sẽ phát triển tốt nếu gặp môi trường thuận lợi.
Năm 2004, con trai lớn của tôi thi đại học và trượt với số điểm suýt soát. Bố bác sĩ, mẹ viên chức, cu cậu có vẻ tự cảm thấy x.ấu hổ dù gia đình không ai trách. Con ngỏ ý muốn ra nước ngoài học. Hồi đó chưa có nhiều người cho con đi du học. Vợ chồng tôi tìm hiểu rất nhiều nguồn thông tin và cũng nghiêng về hướng cho con đi, nhất là khi thấy khá nhiều con cái của bạn bè, những người xung quanh bị cuốn vào tệ n.ạn m.a tuý.
Ảnh: Videoblocks.
Hai vợ chồng làm công chức, thu nhập không có gì ngoài lương, tài sản chỉ có một căn nhà tập thể cũ, chiếc dream lùn. Tôi tìm hiểu thông tin, lắng nghe nguyện vọng của con và quyết định cho cháu sang Nga học y. Chọn Nga là bởi không cần chứng minh tài chính, thủ tục sang đơn giản, chỉ cần hộ chiếu, bằng tốt nghiệp trung học, học bạ…
Tiêu chí chọn trường căn cứ vào năng lực, nguyện vọng của con, chọn đất nước, nơi đến phù hợp với điều kiện kinh tế, khả năng của bố mẹ cũng được áp dụng cho cậu út 2 năm sau. Lần này, chúng tôi cho cháu sang Trung Quốc, học về kinh tế, thương mại tại Bắc Kinh.
Về sau, tôi càng thấy lựa chọn này của mình là sáng suốt. Cả hai con tôi đều được học ở trường tốt, có môi trường giao lưu quốc tế và bố mẹ không bị quá sức về chi phí. Nếu cho các cháu sang các nước như Anh, Australia, Canada, Mỹ… dù chúng tôi được hỗ trợ để chứng minh tài chính, thì cũng không lo nổi đường dài cho các con. Tôi được biết, tại các nước đó, chi phí cho mỗi cháu học và ăn, ở… một năm có thể lên tới nửa tỷ. Khi bố mẹ không đảm bảo được kinh tế, các con sẽ chịu sức ép rất lớn, thậm chí, tôi như nghe kể, nhiều cháu phải đi làm thêm để tự trang trải, ảnh hưởng tới học hành, thậm chí không theo đuổi được tới cùng.
Xác định gia đình mình phải liệu cơm gắp mắm, lúc các con lên đường, tôi chỉ nhắn nhủ con tập trung học tốt và cho chính tương lai của mình, không phải là học cho bố mẹ. Việc của bố mẹ là sống tử tế, làm việc hết mình để kiếm tiền lo cho các con. Bản thân tôi thực sự cũng không kỳ vọng rằng con ra nước ngoài rồi trở về phải thành đạt, kiếm được nhiều tiền. Tôi chỉ đơn giản muốn các cháu ngoài việc tiếp nhận kiến thức còn có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống và có nền tảng để xây dựng cuộc đời theo ý mình, có ích cho đời. Tôi cũng luôn tin tưởng các cháu, thường xuyên động viên, thổi lửa cho con những lúc chùng bước.
Sang bên kia, các cháu rất chịu khó học hành, chi tiêu tiết kiệm, biết quyết tâm vượt qua khi gặp khó khăn. Thời đó, trong số những cháu đi du học cùng thời với các con tôi, có tới hơn một nửa là phải bỏ dở, trở về ngang chừng.
Để chu cấp cho các con ăn học trong khoảng thời gian đó (con lớn tổng 10 năm, con nhỏ 8 năm), vợ chồng tôi chi hơn 5 tỷ đồng. Đây thực sự là con số quá lớn khi cộng lại và có lúc tưởng như vượt sức. Tôi thực sự đã “cày cuốc” cật lực. Ở nơi làm chính, tôi không nề hà việc gì, dù có tuổi vẫn không ngại trực, học hỏi. Tôi nhận làm thêm tại các b.ệnh viện tư, đi đào tạo… ngoài giờ. Tuyệt đối không nhận phong bì của bệ.nh nhân. Nhờ chuyên môn tốt, tôi được mời tới các ca mổ khó, có thù lao tốt và hầu như không lúc nào thiếu việc. Tôi không ngại phải rời nhà từ 5-6h sáng hay đi tỉnh xa hỗ trợ đồng nghiệp.
Vợ tôi đảm nhận việc cân đối thu chi, lo cho chồng từng bữa ăn giấc ngủ để tôi đảm bảo sức khoẻ. Chúng tôi hầu như không mua sắm gì ngoài những thứ thiết yếu. Trong lúc đồng nghiệp sắm ôtô, đổi nhà mới, tôi vẫn chung thuỷ với căn hộ tập thể hơn 50m2 và chiếc xe đã đi được vài chục năm.
Năm 2014, trở về nước là con trai cả lập tức đi tìm việc. Cháu nói sẽ tự lực cánh sinh. Cháu chấp nhận vào một bệ.nh viện công vừa học vừa làm hơn một năm để tích thêm kiến thức và thích nghi với môi trường làm việc trong nước. Sau đó, cháu được một bện.h viện tư lớn mời về làm bác sĩ phẫu thuật.
Cậu em khi về nước cũng đi tìm việc rồi vào làm ở vài công ty một thời gian, sau đó tự mở cửa hàng kinh doanh. Hiện cháu đang làm chủ 3 cửa hàng với hơn chục nhân viên.
Các con tôi giờ đều đã lập gia đình, có cuộc sống hài lòng với bản thân. Tôi không phải chu cấp cho các cháu nữa nhưng vẫn tiếp tục đi làm thêm sau khi nghỉ hưu. Tôi muốn được làm việc để đầu óc không lão hoá, thêm mối quan hệ và đóng góp cho xã hội. Hơn nữa, tôi và bà xã xác định, bản thân phải tự lo được cho tuổi già, để các con yên tâm sống đời của chúng.
Tới bây giờ, tôi luôn thấy quyết định cho con đi du học là đúng đắn. Cái được lớn nhất là các con đã thực sự trưởng thành, có vốn sống phong phú và khả năng thích ứng với cuộc sống, tinh thần tự lập tốt. Tôi cũng chưa từng thấy mệt mỏi, vất vả vì những năm tháng lao động cật lực để có tiền lo cho con bên xứ người. Tôi biết ơn vì chính có động lực đó cũng góp phần giúp tôi luôn cố gắng phấn đấu trong sự nghiệp, nâng cao tay nghề, cống hiến hết mình. Ở nhà cũ, đi xe cũ thật sự cũng có cái thú riêng và tôi không cần mưu cầu gì hơn.
Vương Linh/Vnexpress.net