Trào lưu tiết kiệm tiền vé máy bay: Du khách thích thú, hãng hàng không thì “ghét cay ghét đắng”
Một tuyệt chiêu du lịch mới sẽ giúp du khách tiết kiệm được bộn tiền qua các chuyến bay trong thời kỳ vật giá leo thang.
Skiplagging là gì?
Skiplagging chính là hành động tiết kiệm giá vé máy bay, thông qua việc lựa chọn những chuyến bay giá rẻ, có điểm quá cảnh chính là điểm mà du khách thật sự muốn đến. Khi đến điểm quá cảnh, du khách sẽ bỏ chuyến bay tiếp theo và rời sân bay.
Theo Business Insider, lý do mà “độc chiêu” này trở nên thịnh hành là du khách không phải tốn nhiều tiền mua vé máy bay. Điều này đặc biệt hấp dẫn trong bối cảnh giá vé và giá nhiên liệu tăng cao do lạm phát và nhu cầu du lịch tăng đột biến sau đại dịch.
Chẳng hạn, một chuyến bay thẳng từ New York đến Orlando có thể có giá 250 đô la (5,8 triệu VNĐ), nhưng một chuyến bay từ New York đến Dallas, với điểm quá cảnh ở Orlando thì chỉ mất 130 đô la (3 triệu VNĐ). Tận dụng “kẽ hở” này, một người có thể sử dụng thủ thuật “skiplagging” để bay đến Orlando bằng cách mua vé chuyến bay New York – Dallas rồi xuống tại điểm quá cảnh Orlando.
Tuy nhiên, skiplagging chỉ có tác dụng nếu hành khách không ký gửi hành lý bởi hành lý ký gửi sẽ được chuyển tới điểm đến cuối cùng ở trên vé chứ không phải địa điểm quá cảnh.
Một trang web của công ty du lịch, Skiplagged.com, đã được thành lập để cung cấp cho hành khách những thông tin về chuyến bay quá cảnh giá rẻ. Theo khuyến cáo của trang web, để có thực hiện thủ thuật du lịch quá cảnh kiểu này, thì bạn chỉ được phép mua vé một chiều.
Tại sao các hãng hàng không lại ghét chiêu trò này?
Chiến lược này là cứu cánh cho hàng vạn người sau đại dịch, nhưng hãng hàng không thì không thích tí nào vì nó gây ra thất thoát tài chính rất lớn.
Theo CNN Money, hãng United Airlines và đại lý lữ hành Orbitz đã kiện CEO của công ty du lịch Skiplagged, Aktarer Zaman vào năm 2014. United Airlines khẳng định hãng đã tổn thất 75.000 đô la (gần 2 tỷ VNĐ) do trang web của Zaman.
Trên thực tế, đơn khiếu nại đã bị toà bác bỏ. Lý do là bởi Zaman sống và làm việc tại New York, nhưng đơn lại được nộp ở Illinois, nằm ngoài thẩm quyền của toà án. Zaman cũng tuyên bố hành vi này là hoàn toàn hợp pháp. Cuối cùng, Zaman đã giành chiến thắng pháp lý trước những “gã khổng lồ” và khoe chiến tích đó trên trang web của công ty Skiplagged. Anh viết: “United Airlines kiện chúng tôi vì chúng tôi làm quá tốt”.
5 năm sau, hãng Lufthansa của Đức đệ đơn kiện một du khách vì đã bỏ chặng cuối của chuyến bay. Vị khách đã chi trả số tiền 600 Euro (15 triệu VNĐ) để mua vé khứ hồi hạng thương gia từ Oslo (Na Uy) đến Seattle (Mỹ), quá cảnh tại Frankfurt (Đức). Nhưng sau đó vị khách đã bỏ chặng bay cuối cùng tới Oslo. Hãng hàng không Đức yêu cầu anh thanh toán thêm khoản phí chênh lệch giữa chuyến bay thực tế và giá vé mà vị khách đã thanh toán. Tuy nhiên, vị khách này đã thắng kiện.
Để đối phó với tình trạng này, United Airlines cảnh báo các công ty du lịch trong một văn kiện. Hãng tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ tình hình và nếu phát hiện ra tình trạng skiplagging thì họ sẽ xử lý tới cùng.
Các hãng bay đang đối phó bằng cách nào?
Bởi những tổn thất và thiệt hại nặng nề về tài chính, các hãng hàng không dần siết chặt công tác giám sát và quản lý chuyến bay, nên sẽ có rất nhiều rủi ro liên quan tới skiplagging. Giờ đây, các hãng hàng không đã đưa điều khoản chống lại hành vi bỏ chuyến bay vào các hợp đồng vận chuyển hành khách.
Theo NerdWallet, hãng hàng không có quyền phạt hành khách bằng cách huỷ bỏ chặng đường bay về trong chuyến bay của họ, tước đi số dặm bay dành cho khách hàng thân thiết và quyền lợi thành viên, hay thậm chí cấm bay vĩnh viễn.