Úc: Tòa văn phòng 40 triệu USD phủ kín pin mặt trời
Tòa văn phòng 8 tầng phủ đầy pin mặt trời đầu tiên ở Australia dự kiến mở cửa giữa năm 2023, giúp giảm 77 tấn CO2 mỗi năm.
Một tòa nhà 8 tầng sắp mọc lên tại phố Spencer, Tây Melbourne, Australia, sẽ trở thành tòa văn phòng đầu tiên của nước này có “da năng lượng mặt trời”, đánh dấu một bước ngoặt trong ngành xây dựng, Interesting Engineering hôm 6/6 đưa tin. Tòa văn phòng 40 triệu USD này sẽ trang bị 1.182 tấm pin mặt trời có độ dày bằng kính mặt tiền thông thường.
Khi hoàn thành, hệ thống pin mặt trời dự kiến cung cấp đủ năng lượng để đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu của tòa nhà, nhờ đó không tốn nhiều tiền điện. Nó cũng sẽ trở thành tòa nhà trung lập carbon trong vài năm tới, là ví dụ tốt về triển vọng khử carbon trong ngành xây dựng.
Tòa nhà do kiến trúc sư Pete Kennon tại Melbourne thiết kế, công ty Crema Constructions xây dựng và dự kiến mở cửa giữa năm 2023. Da năng lượng mặt trời do công ty Đức Avancis sản xuất, được gọi là hệ thống Skala.
Skala sử dụng module PV màng mỏng đặt trên một mạng lưới dùng để truyền điện sản xuất được vào nguồn cấp điện chính của tòa nhà. Hệ thống có thể tạo ra năng lượng gấp 50 lần pin mặt trời điển hình lắp trên mái nhà của các hộ gia đình.
Sau khi hoàn thành, hệ thống sẽ cung cấp gần như đủ điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng của cả tòa nhà, đồng thời giảm 77 tấn CO2 mỗi năm. Ngoài ra, tòa nhà cũng bổ sung các tấm pin mặt trời trên mái.
Kennon cho biết, tòa nhà sẽ trả hết nợ carbon mà không cần dựa vào đền bù carbon hay các biện pháp thanh toán khác. “Chuyện này hoàn toàn khả thi, dù một tòa nhà khai thác ánh sáng mặt trời nhờ ‘làn da’ của mình nghe chỉ giống như thứ bạn mơ đến hoặc thấy trong phim hoạt hình”, Kennon nói.
Australia là quốc gia hàng đầu về năng lượng mặt trời, nhưng việc phủ các tấm pin xung quanh tòa nhà chưa từng được áp dụng ở nước này. Đây là lý do tại sao dự án ở phố Spencer sẽ giúp thiết lập một tiêu chuẩn chất lượng mới, cho phép da năng lượng mặt trời trải qua khâu thử nghiệm cuối cùng trước khi được chấp thuận để sử dụng trên các tòa nhà khác.
Tại châu Âu, các tòa văn phòng với pin mặt trời bao phủ không phải mới lạ. Ví dụ, một tòa văn phòng trên phố Miller ở Manchester, Anh, cũng có pin mặt trời gắn xung quanh và đã sản xuất điện nhiều năm. Ở phía bên kia thế giới, dự án Sun Rock của Đài Loan dự kiến xây một tòa nhà phủ pin mặt trời có thể tạo ra khoảng 1 triệu kWh điện.
Trong khi đó, các công nghệ bền vững khác cũng đang giúp ngành xây dựng trở nên “xanh” hơn, ví dụ pin mặt trời trong suốt cho phép sản xuất điện từ cửa sổ trong văn phòng, nhà ở, cửa sổ trời trên ôtô, thậm chí smartphone.
(tintucnuocuc.com)