Vài câu chuyện chưa kể về cuộc sống Việt kiều nơi xứ người
Chúng ta vẫn quen với việc Việt kiều ở nước ngoài nói chung, ở Mỹ nói riêng, gửi tiền cho thân nhân, ủng hộ đồng bào gặp thiên tai… Chính vì vậy, có người nghĩ rằng hẳn đời sống của kiều bào bên ấy rất thoải mái, sung sướng…
Thực tế, cuộc sống của một người Việt bình thường ở Mỹ không hề dễ dàng. Có những khó khăn, vất vả, phấn đấu. Có những đồng tiền gửi về quê nhà thấm đẫm những giọt mồ hôi…
Vất vả của những người Việt lớn tuổi
Điểm chung của những người này là không rành tiếng Anh để tiếp xúc với người bản xứ, dù khi ở Việt Nam có nhiều người học ngoại ngữ, có bằng cấp đàng hoàng.
Nếu không có bằng cấp và giỏi tiếng Anh, người Việt tại Mỹ chỉ có thể làm những công việc tay chân, lương thấp
Lý do đơn giản là họ học nhưng ít có dịp thực hành, nói chuyện với người nước ngoài. Mà không người bản xứ nào nói chậm, rõ ràng để họ tiếp thu, phản ứng.
Người ta nói ào ào như nước chảy hoa trôi. Ai xem phim mà hiểu được, chỉ mang máng thôi, những lời đối đáp của các nhân vật là xem như khá rồi. Có hiểu người ta nói gì mình mới trả lời được. Trả lời được bằng một câu dài vài chục từ thì càng giỏi hơn.
Trước khi qua Mỹ, có người tưởng tượng thân nhân mình bên đó thật là sung sướng. Thế nên họ nghĩ rằng qua bên đó mình cũng sẽ được như thế. Chỉ thấy hào nhoáng qua hình có nhà lầu, xe hơi, vườn hoa, cây cảnh, trong nhà bài trí sang trọng… đã sướng rồi. Lại còn đi du lịch, nhà hàng, dự tiệc cưới, sinh nhật, khiêu vũ… Đúng là thiên đường!
Chưa kể còn nghe mấy ông bà Việt kiều về thăm quê hương nói toàn chuyện giàu sang, kiếm tiền dễ như lượm lá rụng ngoài đường. Đến khi bước xuống máy bay, được thân nhân đón về nhà, chỉ hôm sau là “người mới” hiểu hết mọi sự.
Nhà to rộng nhiều phòng như thế nhưng không có chỗ cho người ngoài trú ngụ. Bởi khi mua hay thuê nhà, họ đều tính xem trong gia đình có bao nhiêu người, cần bao nhiêu phòng. Ít khi nào hai người ngủ chung một phòng (trừ vợ chồng).
Mỗi đứa con, dù nhỏ cũng có phòng riêng. May ra, người thân sẽ được ở tạm phòng đứa nhỏ nào đó đi học xa, thỉnh thoảng mới về.
Thế nên dù cha mẹ, anh em ruột thịt bảo lãnh qua, ai cũng phải lo kiếm một chỗ ở riêng. Nhưng muốn vậy phải có tiền, phải tìm việc làm. Nếu không thạo tiếng Anh, phải kiếm việc nào có chủ là người Việt hoặc việc đơn giản mà người chủ chỉ cần ra dấu là hiểu.
Đó là các việc làm vệ sinh các building (hút bụi, lau bàn ghế, chùi phòng vệ sinh…), cắt cỏ, làm vệ sinh trường học, quét dọn nhà hàng, giữ trẻ (nếu là phụ nữ)… Trước đây, nghề làm móng tay có thể sống được, nhưng bây giờ cũng ế ẩm vì kinh tế suy thoái.
Ở California còn có nghề lắp ráp máy móc điện tử, nhưng các hãng đã đưa việc này qua các nước có giá nhân công rẻ khiến cho số người thất nghiệp ở vùng thung lũng Hoa Vàng (Bắc California) đã tăng lên rất nhiều.
Hiện nay lương tối thiểu được Chính phủ quy định là gần 7 USD một giờ, nếu mỗi tuần làm 40 giờ, mỗi tháng sẽ kiếm được từ 1.000 – 1.200 USD, sau khi trừ thuế và an sinh xã hội. Mà muốn đi làm phải có xe và tự lái đi (sau khi thi lấy bằng). Vậy là phải có ít nhất vài nghìn USD để mua một chiếc xe cũ tạm dùng được.
Khi có việc làm, có thu nhập thì việc nghĩ đến là tìm nhà để mướn. Trung bình một căn hộ hai phòng có giá trên 1.500 USD. Rồi thì áo quần, ăn uống, các chi tiêu bắt buộc khác (tiền điện (gần 100 USD), gas (gần 200 USD), điện thoại, nước, rác, bảo hiểm xe, bảo hiểm nhà, thuế xe…).
Thử lấy mức thu nhập trên trừ cho chi tiêu, rõ ràng là không đủ. Vậy nên hai vợ chồng đều phải có việc làm, các con lớn tuổi phải vừa đến trường vừa đi làm cuối tuần để phụ giúp cha mẹ.
Cũng có những triệu phú người Việt, nhưng số này ít. Những người lớn tuổi qua Mỹ với gia đình, con cái, phải làm “tối tăm mặt mũi”, không biết ngày lễ tết, cuối tuần là gì. Mà làm những việc chân tay, lương thấp.
Có người làm đến 60, 70 giờ một tuần (làm hai, ba chỗ, từ sáng sớm đến khuya).Ở Âu – Mỹ, không riêng người Việt mà người bản xứ cũng vậy, bị cho nghỉ việc là xanh mặt.
Cũng may là đa số người Việt biết lo xa, không giống người Mỹ da màu, có nhiêu xài nhiêu, đến khi kẹt thì kêu réo Sở Xã hội.Kinh tế suy thoái, thất nghiệp nhiều nhưng rất ít người Việt ở Mỹ bị tịch thu nhà, phải ra ngủ đường hoặc nhờ đến cứu trợ của chính phủ vì họ biết tiết kiệm và tự trọng.
Chuyện thực tế ở hải ngoại, người nào hiểu được thì không ham đi, trừ những người có con còn nhỏ (qua Mỹ để tiện việc học hành) hoặc các gia đình khá giả đem tiền qua Mỹ kinh doanh như mở tiệm buôn, nhà hàng.
Thế hệ người Việt sinh trên đất Mỹ: sống tốt nếu cố gắng
Những đứa trẻ theo gia đình qua Mỹ hoặc sinh trưởng ở Mỹ, được đến trường từ khi còn nhỏ, nói tiếng Mỹ như người bản xứ. Nếu cha mẹ không dạy con nói tiếng Việt trong gia đình hoặc cho đến trường học tiếng Việt thì thế hệ này đúng là dân Mỹ da vàng mũi tẹt.
Đa số họ học giỏi nên có bằng cấp, nghề nghiệp vững vàng, lương tối thiểu 50 nghìn USD/năm. Họ thường lập gia đình với người Việt hoặc người gốc châu Á. Nghề thông dụng họ chọn là công nghệ thông tin, nha sĩ, bác sĩ – những nghề tự do, nhiều tiền.
Nếu hai vợ chồng đều tốt nghiệp đại học, sau khi cưới nhau, họ thường mua nhà mới, giá từ nửa triệu USD trở lên, với năm bảy phòng ngủ, nhưng lại không muốn ai ở chung, kể cả cha mẹ, anh em.
Mục đích của việc mua nhà mắc tiền là để được chính phủ trừ thuế (ví dụ một năm, lương thu nhập hai vợ chồng là 100.000 USD, thuế nhà 5.000 USD, tiền lãi vay mua nhà (trả góp) 5.000 USD; năm đó sở thuế chỉ đánh thuế thu nhập 90.000 USD).
Thuế thu nhập tính theo lũy tiến, lương càng cao, thuế càng cao, thế nên nếu không biết tiết kiệm, cũng chẳng dư dả bao nhiêu. Vì thế hệ này lớn lên ở Mỹ, có tâm lý và lối sống như người bản xứ, nên cha mẹ đừng hy vọng nhờ vả hay được để ý thăm viếng, săn sóc.
Lớp người trẻ này được lớn lên ở xứ người, học hành thành tài, có công ăn việc làm, hội nhập vững vàng vào xã hội bản xứ, nhưng muốn tiến lên tầng lớp đó, họ phải học hành rất vất vả.
Ở Việt Nam, học sinh, sinh viên còn có thời gian giải trí sau giờ học chứ ở Mỹ thì không. Cô cậu nào ham chơi, không chịu học là coi như tương lai không còn.
Từ tiểu học, trung học cho đến đại học, lúc nào cũng tối tăm mặt mũi vì bài vở. Lên đại học phải đọc rất nhiều sách do giáo sư chỉ định, không đọc không thể làm bài.
Có thể nói, để kiếm được đồng tiền để gửi về cho người thân trong nước không đơn giản. Ở California, Texas, vẫn có những người già đến các thùng rác bươi móc vỏ chai, lon nhôm… bán lấy tiền, dành dụm gửi về thân nhân nghèo chút quà tết.
Những dịp quyên góp cứu trợ thiên tai, đóng góp nhiều nhất là những người lao động chân tay. Đồng bạc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Tuy tiền đóng góp không bao nhiêu nhưng gói ghém trong đó là cả một tấm lòng yêu thương đồng bào, quê hương.