‘Việt kiều mà lì xì có 10 đôla’

Cậu tôi ở Canada, mỗi lần về quê ăn Tết lì xì họ hàng mỗi người hai triệu đồng nên 10 đôla Canada của tôi được đánh giá quá ít.

Hôm trước tôi đọc được một băn khoăn của một bạn, là Việt kiều tại một nước châu Âu. Tết tới bạn dự định về quê nhà ăn Tết, tiền vé máy bay và chi phí đi lại không làm bạn lo lắng mà mối bận tâm to lớn nhất đến từ câu hỏi “nên lì xì cho người thân và họ hàng bao nhiêu tiền”.

Tôi thấy rằng nếu khá giả thì cho tiền người thân trong gia đình và giúp đỡ một phần tuỳ tâm cho những họ hàng khó khăn. Bạn không có nghĩa vụ phải phát tiền cho mọi họ hàng như đang làm từ thiện. Nếu đang khó khăn thì không phải áy náy khi không lì xì cho ai.

Là một người từng mang danh Việt kiều ở Canada, tôi có một trải nghiệm không vui khi lì xì cho họ hàng vào dịp Tết. Tôi có ông cậu sống ở Canada đã lâu, thấy tôi ra trường vài năm mà vẫn loay hoay với cuộc sống nên cậu và gia đình bảo lãnh tôi qua định cư tại đó. Thời gian đầu, tôi ở chung nhà với gia đình cậu.

Ở Canada không dễ kiếm tiền và làm ăn như ở Mỹ hay các nước châu Âu khác. Đất nước Canada rộng lớn nhưng vùng đất có thể sống được chỉ nằm gần biên giới với Mỹ vì khí hậu ấm áp hơn. Chỗ tôi ở với gia đình cậu có khí hậu rất lạnh. Mùa đông tuyết trắng xoá, mọi người chỉ quây quần ở nhà, không ai ra đường nên kinh doanh nhà hàng của cậu tôi cũng ế ẩm.

Mà một năm có đến mấy tháng ế ẩm như thế, nên nói chung tiền kiếm được chỉ đủ tiêu, không dư giả gì để gửi về cho gia đình xây nhà, mua xe. Gần năm năm trời tôi mới dám về quê ăn Tết. Câu chuyện cũng xảy ra cách đây mười mấy năm rồi.

Ban đầu tôi ngượng vì mình cũng chẳng thành đạt gì nhưng bước xuống sân bay, tôi phát hoảng vì đại gia đình ở nhà thuê chiếc xe 16 chỗ, gần chục người đi từ ba giờ sáng đến sân bay đón tôi. Về đến nhà thì thấy đã bày sẵn gần chục mâm cỗ mừng tôi về nhà.

Biết họ hàng mình đông, lúc nối chuyến bay ở Singapore tôi đã mua một lốc 20 chai dầu gió tặng cho các cô, dì tuổi cao, chục hộp sôcôla để tặng cho đám trẻ. Rồi sáng mùng một Tết, cả họ quây quần đi chúc Tết ở nhà tôi.

Lúc đó, như thông lệ là trách nhiệm của một người đi xa, mang danh Việt kiều, tôi phát lì xì cho mọi người. Lúc nhận ai cũng rạng rỡ, vui vẻ, nhưng một bà cô bóc lì xì ra và nói một câu làm tôi choáng váng: “Trời, lì xì gì có 10 CAD (đôla Canada) vậy, thằng Năm (cậu tôi) mỗi lần về cho ít nhất cũng hai triệu”, anh họ tôi xì xầm: “Vậy nên nó mới không đổi ra tiền Việt đó”.

Lúc đó tôi cố kìm nén, để mọi người về hết thì tôi về phòng khóc một trận và tự hỏi đó là điều nhận được sao 5 năm xa quê hay sao. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao cậu mợ tôi từ chối về ăn Tết cùng. Vì khi tôi còn ở Việt Nam, mỗi lần về quê là mỗi lần cậu mợ lì xì cho mọi người, nhưng tôi chỉ thấy mọi người cười, còn cậu mợ thì không.

Họ hàng, người thân không biết được những người mang danh Việt kiều phải đi làm sáng sớm và về nhà lúc muộn tối, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi và sinh hoạt giải trí. Vì lý do tài chính, mà họ phải tiếp tục làm việc, sống khổ sở nước ngoài. Bây giờ, dù đã về nước ở hẳn, nhưng mỗi mùa lễ Tết, tôi nhận thấy Việt kiều đôi khi có thể gặp khó khăn trong việc giải thích cho người thân về các khó khăn mà họ đang gặp phải khi sống và làm việc tại nước ngoài.

Người thân có thể không hiểu rõ và luôn cho rằng sống tại nước ngoài luôn một trải nghiệm sung sướng và dễ dàng kiếm tiền. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Việt kiều cũng có thể gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm việc và sống tại một nước khác, bao gồm việc giao tiếp với người bản xứ, học hỏi một ngôn ngữ mới, và đối mặt với những khía cạnh xã hội, văn hóa và luật pháp khác nhau.

Tôi nghĩ, thay vì đau đầu hay gồng mình để tính toán lì xì cho người thân thế nào là hợp lý. Tốt nhất nên cố gắng giải thích cho người thân về các khó khăn mà mình đang gặp phải. Việc đánh giá thấp số tiền lì xì dù không có ác ý nhưng vẫn là một hành vi không tốt và có thể gây tổn thương cho những người Việt ở xa quê.