Vỡ mộng lấy Việt Kiều mong đổi đời nơi trời Tây

Có những nạn nhân mất tiền mà không trở thành công dân ở các nước phát triển như Mỹ, Đức, Canada, Australia… mà thành kẻ di dân lậu trên đất khách mặc dù đã chi hàng chục nghìn đôla cho người làm hôn thú. Câu chuyện về những cuộc hôn thú giả để mong đổi đời ở xứ người hé lộ với nhiều cảnh ngộ bi hài

Toan tính… nhầm

Chị Lê Thị Sâm Huyền (ở phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM) được người quen bên Mỹ giới thiệu, chỉ mất 25.000 đôla lấy một Việt kiều Mỹ, cộng các chi phí tổ chức cưới, phụ phí khác “tổng thiệt hại” gần 30.000 đôla, vẫn rẻ hơn phải bỏ 300.000-500.000 đôla để được làm công dân Mỹ. Sang đó, nghề làm nail dễ kiếm sống, sau 5 năm, chị sẽ ly dị anh chồng Việt kiều và đón các con sang, bọn trẻ học hành không mất tiền…

Tính toán thế, chị quyết định làm các thủ tục li dị người chồng Việt Nam, đợi cả năm sau mới tiến hành các thủ tục sang Mỹ chơi, gặp gỡ, dàn dựng các bộ ảnh gặp gỡ, hẹn hò, tình tứ với tay Việt kiều, rồi về cả TPHCM ăn uống, du lịch… để đường dây làm hộ chiếu có đủ các thủ tục làm đăng ký kết hôn tại Mỹ. Sau khi tổ chức lễ cưới rất hoành tráng tại một nhà hàng lớn ở Tân Bình, chị Huyền theo “chồng” sang Mỹ, đến giờ, sau 3 năm, cuộc sống vẫn khó khăn nên ý định đón chồng con đoàn tụ chưa thực hiện được. “Đến tiền chuẩn bị về Việt Nam thăm con khoảng 2.000 đôla mà còn chưa tích góp đủ”, chị Huyền chua xót tâm sự.

Bà Vân (ở quận 5, TPHCM) đưa cho anh Phí Văn Tần (đường Lê Hồng Phong, quận 10) bản hợp đồng với nhiều nội dung hứa hẹn với thời hạn 18 tháng sẽ được xuất cảnh đi Đức theo diện lấy vợ Việt kiều. Theo dàn dựng, anh Tần tổ chức đám cưới hoành tráng ở một nhà hàng, bà Vân sẽ chuyển các file ảnh của “cô dâu” về Việt Nam trước để anh Tần photoshop thành bộ ảnh cưới trang trí đặt ở nhà hàng.

Trước giờ cử hành hôn lễ 10 tiếng, cô dâu sẽ có mặt tại Việt Nam. Để hoàn tất thủ tục, ngoài 3.000 đôla đặt cọc làm thủ tục giấy tờ, anh Tần phải đưa thêm cho bà Vân 3.000 đôla nữa để đón “cô dâu” về… Đúng ngày, giờ tổ chức hôn lễ, đại diện nhà trai chờ mãi không thấy nhà gái xuất hiện, đành biến tiệc cưới thành mâm cơm gia đình. Sau nhiều ngày truy tìm, anh Tần mới té ngửa bà Vân đã bay sang Mỹ, để lại một hợp đồng ma với thiệt hại gần 15.000 đôla…

Bà Jena Truong (người Long An) cũng kể câu chuyện bà 2 lần làm đăng ký kết hôn giả. Một lần tổ chức đám cưới với Việt kiều ở Mỹ nhưng khi sang đến nơi, mọi chuyện đổ bể, thẻ xanh không có được vì tay Việt kiều không thèm làm giấy tờ, hồ sơ nộp ở INS (Sở Di trú) cũng không có, số tiền 30.000 đôla đứng tên chung trong ngân hàng, chiếc xe Lexus mua chung trị giá 10.000 đôla cũng theo anh ta biến mất. Qua nhiều bạn bè, bà Truong biết tay này từng kết hôn giả nhiều lần, lừa tiền nhiều người và một số người đành cam chịu mất tiền, làm việc không ăn lương, trốn chui lủi trong nhiều tiệm sửa xe, làm tóc ở bang Pennsylvania, trở thành kẻ sống bất hợp pháp ở Mỹ.

Có ngăn được tình trạng cưới giả?

Điều 4 Luật Hôn nhân & Gia đình quy định: “…Cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn; cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi…”. Điều 13 Nghị định số 76/2006/NĐ-CP ngày 2.8.2006 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, các hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn trong đó có các hành vi gian dối khi đăng ký kết hôn sẽ bị phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng. Có lẽ, do mức xử phạt quá nhẹ như vậy nên chuyện lợi dụng tiệc cưới để đạt các mục đích khác vẫn tiếp tục diễn ra mà không có tác dụng răn đe cũng như phòng ngừa. Đây là kẽ hở để nhiều đối tượng lợi dụng đưa người sang lao động ở nước ngoài bất hợp pháp, như vụ 174 phụ nữ tại xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang ra nước ngoài lao động thông qua hình thức kết hôn với người Hàn Quốc, Đài Loan.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo – Công ty Lawsoft TPHCM cho rằng, UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người tổ chức cưới phải có trách nhiệm xác định tính pháp lý khi cấp giấy đăng ký kết hôn để bảo vệ quyền lợi hai bên nam nữ. Vì thế, biện pháp để ngăn ngừa đám cưới giả bằng quy định tổ chức cưới phải có giấy kết hôn là thiếu thực tế, không thể coi là biện pháp để hạn chế tiêu cực.

Có những người chỉ muốn làm giấy tờ hợp pháp để trở thành công dân hạng 3 ở các nước phát triển, nhưng sau lại trở thành kẻ di dân lậu trên đất khách quê người dù đã chi hàng chục nghìn đôla cho người làm hôn thú. Có người gặp phải trục trặc ngay khi làm thủ tục xuất cảnh bởi sự thẩm tra thông tin của cơ quan chức năng và không thể ra nước ngoài, vừa mất thời gian, công sức lại tốn tiền của. Có người sang đến Mỹ còn bị ép làm vợ thật, trở thành con ở cho nhà chồng mà quốc tịch thì mãi không được làm. Có người cuối cùng cũng có đủ giấy tờ, nhưng số tiền phải trả cao hơn gấp nhiều lần do người làm hôn thú tìm cách vòi vĩnh, hành hạ…

HOÀNG HÙNG