Du học khổ nhưng giúp bạn trưởng thành nhanh
Theo Hoàng Diệu Linh, du học sinh nào cũng thường trải qua 4 giai đoạn tâm lý: Háo hức – vỡ mộng – gắng gượng – hòa nhập.
Hoàng Diệu Linh (20 tuổi) đang học năm ba ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học Khoa học ứng dụng Metropolia (Phần Lan) là sinh viên xuất sắc trong 3 năm du học. Linh chia sẻ kinh nghiệm vượt qua áp lực khi học tập ở “trời Tây”.
Trước khi lên đường du học, hầu hết bạn trẻ háo hức, mong ngóng về cuộc sống đẹp như mơ ở trời Tây bởi thấy rất nhiều bức ảnh rạng rỡ của anh chị đi trước và sự thành công sau du học của họ. Ngày đặt chân tới “miền đất hứa”, bạn trầm trồ vì đường phố hoa lệ, sạch sẽ, cái gì cũng tiện nghi. Bạn tới trường và sống lại tâm trạng của những cô cậu vào lớp 1 tràn trề năng lượng, cười nói, làm quen với tất cả mọi người. Bạn cảm thấy cuộc sống du học thật tuyệt.
Nhưng thực tế đời sống du học không như mộng tưởng, có nhiều áp lực đè nặng lên vai khiến bạn phát khóc, khủng hoảng, thậm chí trở nên trầm cảm.
Thực tế có rất ít bạn tìm được người bạn cùng phòng tâm đầu ý hợp để “quẩy hết mình” qua năm tháng đại học. Việc sống chung với người xa lạ, khác văn hóa khiến đôi bên dần nảy sinh mâu thuẫn, xét nét lẫn nhau từ việc bé nhất như ai đi đổ rác đến việc lớn như tài sản và không gian riêng của nhau. Có du học sinh phải liên tục đổi bạn cùng phòng vì không chịu được khác biệt trong lối sống.
Để tránh đổ vỡ quan hệ, bạn có thể thuyết phục người cùng phòng thảo luận về những kỳ vọng khi sống chung và đưa ra một số nguyên tắc chung để hòa hợp, tôn trọng nhau. Câu nói “mất lòng trước thì được lòng sau” thường rất chính xác với trường hợp này. Và quan trọng, trước khi mong đợi điều gì đó ở bạn cùng phòng, bạn phải có thái độ và thói quen sinh hoạt lành mạnh.
Ở phương Tây, việc cười thân thiện hay vô tư giới thiệu bản thân đôi khi chỉ mang tính ngoại giao, không đồng nghĩa với việc bạn có thể thiết lập quan hệ bạn bè mật thiết. Sự khác biệt văn hóa nhiều khi khiến bạn phải gượng cười dù chẳng hiểu tại sao cả nhóm cười ầm vì một câu đùa hoàn toàn vô nghĩa với bạn.
Tệ hại hơn, một số bạn bắt đầu nghi ngại bản thân khi không thể có nhiều bạn bè quốc tế. Những câu hỏi mình có vấn đề về hòa nhập chăng hay mình chỉ là một đứa châu Á lập dị được đặt ra và gặm nhấm tâm trí các bạn mỗi ngày đến nỗi khủng hoảng.
Giải quyết vấn đề này, việc đầu tiên bạn cần làm là chấp nhận khác biệt văn hóa. Lý do khiến bạn khó hoà nhập với cộng đồng sở tại là thiếu điểm chung. Do đó, xem tivi show, phim ảnh về nước mình sinh sống, kiếm một sở thích và tham gia câu lạc bộ nào đó của trường, cùng làm dự án với các bạn nước sở tại… sẽ là giải pháp tối ưu để vừa thư giãn, vừa tăng vốn hiểu biết văn hóa và thu hẹp khoảng cách giữa bạn với cộng đồng xung quanh.
Chủ động tham gia nhiều hơn các hoạt động với người dân sở tại cũng là cách để bạn tăng khả năng ngôn ngữ.
Cách vượt qua áp lực học tập
Phần lớn các bạn đi du học đều chuyển từ cấp ba lên đại học, sự khác biệt cấp học, đặc biệt lại giữa các nền giáo dục khiến không ít người gặp khó khăn để làm quen. 12 năm học ở Việt Nam, các bạn đã quen làm theo khuôn mẫu nhưng giáo dục phương Tây lại đề cao suy nghĩ “vượt ra ngoài cái hộp”. Trong khi sinh viên nước sở tại giơ tay phát biểu ầm ầm thì nhiều du học sinh Việt ngồi im một chỗ phần vì không quen phát biểu, phần e ngại ngữ điệu Việt Vinglish.
Những bài tập kiểu tìm lỗi trong công trình nghiên cứu của giáo sư khiến bạn bối rối, tự hỏi sao sinh viên năm nhất có thể tìm ra lỗ hổng trong nghiên cứu hàng chục năm của giáo sư… Chuyện học tập với nhiều khác biệt, bài tập và học liệu phải đọc chất chồng này đôi lúc khiến sinh viên người Việt căng thẳng, kết quả có phần bết bát và thất vọng về bản thân.
Với kinh nghiệm 3 năm du học, ở 3 trường đại học mình khuyên các bạn nên bình tĩnh và tự tin với bản thân. Hội đồng trường cho bạn vào học đồng nghĩa với việc bạn đã đủ năng lực ngôn ngữ nên cứ thoải mái phát biểu. Về bài vở, đa số giáo sư khuyến khích sinh viên liên lạc hoặc tới gặp họ trực tiếp ở văn phòng để trao đổi. Bạn hãy tận dụng điều này để tiết kiệm nhiều giờ vò đầu bứt tóc và suy sụp. Việc thảo luận với giáo sư ngoài giúp phát triển hiểu biết còn là dịp thiết lập mối quan hệ rất có ích cho việc xin học bổng cao học sau này.
Tất nhiên đôi lúc bạn sẽ gặp khó khăn với việc hiểu thuật ngữ, nhưng đó là cái giá tất yếu bạn phải trả khi du học rồi. Tin vào chính mình rồi kết quả học tập của bạn sẽ tốt lên.
Tóm lại, ai rồi cũng có lúc vỡ mộng và loay hoay tìm cách cân bằng cuộc sống, dù không phải ai cũng đạt được sự hòa nhập hoàn toàn. Đời sống du học đôi khi khổ khiến bạn phát khóc nhưng mỗi thách thức bạn đối mặt ngày hôm nay, 5 năm sau nhìn lại sẽ chẳng là gì. Kêu ít thôi, làm nhiều lên, bạn sẽ luôn tìm được cách giải quyết vấn đề khi thật sự nỗ lực và bình tĩnh nhìn nhận khó khăn như những hòn đá đệm để mình bước tiến lên. Khi nhìn lại, bạn sẽ thấy tự hào rằng hành trình này đã giúp mình lớn lên đến nhường nào.
Theo Hoàng Diệu Linh/vnexpress.net