Sống ở nước ngoài có thực sự sung sướng?

Mỗi khi nhắc đến những phụ nữ đang sinh sống, lập nghiệp ở nước ngoài, nhiều người trong nước thường nói: “Ở nước ngoài sướng, chẳng vất vả như trong nước”. Vậy sống ở nước ngoài, nhất là ở những quốc gia tiến bộ, chúng ta, đặc biệt là phụ nữ, có thật sự sung sướng, may mắn như người ta thường nghĩ? Điều gì được, điều gì mất khi chọn cuộc sống xa xứ, người khác có thấu hiểu hết?

Tự lực cánh sinh đúng nghĩa

Thu, cô gái trẻ làm hướng dẫn viên du lịch, sang Canada thì phải lòng một người địa phương. Sau đó, cô kết hôn, đến Canada sinh sống. Thời gian đầu thật đẹp vì mọi thứ mới mẻ, thú vị; cuộc sống mới đầy hứa hẹn. Bạn bè ở nhà “ngưỡng mộ”, thậm chí ghen tỵ vì bây giờ cô bỗng nhiên trở thành Việt kiều, sống ở một quốc gia giàu có, tiến bộ. Thu cảm thấy rất hạnh phúc và hãnh diện. Tuy nhiên, khi Thu sinh con, kinh tế gia đình gặp khó khăn vì công việc của chồng cô đang đà xuống dốc, các vấn đề bắt đầu nảy sinh.

Nuôi con nhỏ, Thu bắt đầu thấm thía cuộc sống tha phương chật vật đến thế nào. Chồng cô phải đi làm suốt ngày, kể cả cuối tuần. Một mình chăm sóc con, cuộc sống mới không bạn bè, không người thân bên cạnh, điều khiến Thu sợ nhất là mình ốm đau, vì không biết phải gửi con ở đâu để đi khám chữa bệnh. Hằng ngày nấu cơm cô đều phải mang con cùng vào bếp, đi vệ sinh cũng không yên.

Kinh tế gia đình không đủ để thuê người giúp việc, thậm chí là theo giờ để đỡ đần một tay. Vậy nên mỗi lần gọi điện thoại về nhà, thấy mấy chị em gái của mình mỗi khi đi du lịch hoặc có việc, chỉ cần chở con về bên ngoại, bên nội gửi; nhà cửa có người giúp việc lau dọn, giặt ủi, nấu ăn giúp, con có người giúp việc bế bồng khi mỏi tay, Thu than sống ở xứ người khổ hơn ở nhà nhiều lắm.

Trà My đi học nghiên cứu sinh rồi ở lại Pháp lấy chồng, sinh con. Sống ở châu Âu, nơi có nền văn hóa rất tôn trọng cuộc sống cá nhân, việc phải tự lực cánh sinh trong mọi việc gần như luôn được thể hiện cao nhất. Chồng cô lại thường xuyên làm việc xa nhà.

Có lần không may cô ngã gãy chân, phải chống nạng, đi lại vô cùng khó khăn. Thời điểm đó, con trai cô có tiệc cuối năm trên lớp, mỗi bà mẹ phải làm một món ăn đóng góp cho bữa tiệc của con. Cô bốc thăm trúng một món khó làm. Chân đau nhưng phải đứng trong bếp làm cho xong món bánh rồi chống nạng đưa con đến trường dự tiệc giữa trời tuyết rơi lạnh lẽo.

My nói giá mà đang ở nhà, với cha mẹ anh chị, họ hàng xung quanh, cô ới ai mà không được. Nói mình vất vả thì chẳng ai tin…

NÊN SỐNG Ở MỸ HAY VỀ VIỆT NAM?

Ảnh minh họa

Vỡ mộng nơi thiên đường

Thu Hà, một phụ nữ lấy chồng Hà Lan, mỗi lần về thăm nhà thường buồn lòng khi bạn bè, người thân khen: lấy chồng Tây được chồng cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa; không như chồng Việt gia trưởng, ít nghĩ cho gia đình. Có người bạn của cô còn khẳng định rằng lấy chồng Tây là khỏe rồi, khỏi sợ bị bạo hành gia đình.

Theo Hà, xứ nào chẳng có bạo hành gia đình nếu phụ nữ không may kết hôn với người có xu hướng bạo lực. Vậy nhưng ở xứ mình, nếu chẳng may bị bạo hành, phụ nữ còn có thể tự bảo vệ bản thân, bỏ về với gia đình mình hoặc đi thuê tạm một nơi sinh sống.

Ngoài ra, phụ nữ còn có thể kêu cứu các tổ chức xã hội, thậm chí lên mạng xã hội phản ánh, kêu gọi sự giúp đỡ. Ở xứ người, chưa giỏi ngôn ngữ của họ, nếu lỡ lập gia đình với một người có xu hướng bạo hành, sống ở nơi xa xôi hẻo lánh, việc tìm lối thoát cho bản thân khó hơn vạn lần. Cho đến khi tìm được lối thoát thì được vạ, má đã sưng, cuộc đời khổ không thể nào kể hết.

Chấp nhận đi lùi

Khác với những người rời quê nhà khi còn trẻ, rất nhiều phụ nữ khi đã trưởng thành mới di cư sang nơi khác sống. Đặc biệt, với những phụ nữ đã gầy dựng được sự nghiệp ở quê nhà, tìm một công việc phù hợp với trình độ của mình nơi xứ người là điều không dễ.

Lệ Hằng được bạn bè, đồng nghiệp biết đến như một chuyên gia thiết kế sách báo và pano quảng cáo vô cùng tài năng. Cô từng thiết kế những gian hàng quảng cáo chuyên nghiệp; những tạp chí, sách báo hàng đầu, được nhiều công ty trọng dụng. Tuy vậy, khi sang Mỹ định cư cùng gia đình, bằng cấp của cô không được chấp nhận.

Trong lúc khó khăn và cần nhanh chóng ổn định cuộc sống, cô đi làm cho tiệm làm móng gần nhà mình. Tiệm lúc nào cũng đông khách nên Hằng nhanh chóng ổn định thu nhập. Đó là chưa kể tiền boa của khách, tiền phụ trội do làm việc chăm chỉ, khiến Hằng quên đi những khả năng mình từng có. Cô cho rằng bỏ ra vài năm để học tiếp đại học và lấy được bằng cấp phù hợp, sau đó bỏ ra tiếp vài năm để thực tập rồi mới có thể tìm được việc làm mà thu nhập chưa chắc dồi dào như nghề của cô hiện tại.

Gặp lại, ai cũng tiếc cho Hằng, dù cuộc sống mới là sự lựa chọn của cô. Khi gia đình hay bạn bè đến thăm chỗ cô làm, thấy cô ôm bàn chân to của khách tỉ mẩn chăm chút, đều không tránh khỏi ngậm ngùi.

Trường hợp của Thu Hà cũng vậy. Ở Sài Gòn, cô từng sở hữu một cửa tiệm bán hàng lưu niệm. Tuy chỉ là một doanh nghiệp nhỏ nhưng Thu Hà cũng từng là “bà chủ”, thu nhập rủng rỉnh. Khi sang Hà Lan cùng chồng, cô không đủ kinh tế và hiểu biết để mở một cơ sở kinh doanh riêng mà chỉ xin được một chân phụ bán hàng ăn vặt ngoài phố. Thu nhập đủ sống nhưng mỗi khi về nước, đi ngang cửa hàng năm xưa, Hà lại không khỏi chạnh lòng.

Áp lực từ quê nhà

Thu kể, ở Canada, khi con bắt đầu đến tuổi học mẫu giáo, cô bắt đầu bươn chải đi làm kiếm tiền. Cô làm ở tiệm làm móng, bận rộn không phút nào nghỉ tay, nhiều lúc khi đứng dậy ra về, chân tay cô tê cứng, đau buốt, nhất là vào mùa đông giá rét. Rời chỗ làm thì tất bật đón con; về đến nhà thì cơm nước, chăm con. Con ngủ ngon không sao, có hôm con quấy khóc cả đêm vô cùng mệt mỏi, sáng hôm sau cô vẫn phải gồng lưng ở chỗ làm.

Tuy nhiên, mỗi lần gọi điện thoại về thăm gia đình, mẹ cô lại muốn hỏi tiền để sửa nhà, cha cô muốn xin tiền để đi tiệc… Anh chị em làm ăn khởi nghiệp cũng hỏi vay tiền cô nhưng không bao giờ thấy trả. Cô không nỡ và không dám từ chối cha mẹ vì sợ cha mẹ buồn, sợ mang tiếng bất hiếu. Có hôm cô chưa kịp xoay xở và bảo rằng mình ở nước ngoài cũng rất vất vả, cha mẹ và người nhà đều không tin.

Thu Hà cũng vậy. Nhiều đêm mùa đông giá rét, cô đứng ngoài trời để bán đồ ăn vặt ở những khu chợ địa phương, chân đau buốt đến mức mất luôn cảm giác. Khi chân đau quá, đi bác sĩ, cô mới biết mình bị viêm khớp nặng do bỏng lạnh. Tuy vậy, gia đình cô không thấu hiểu. Mỗi khi có ai ốm đau, nợ nần, cần chi tiêu gì đó, mọi người lại gọi ngay cho Hà và trông chờ cô gửi tiền về. Nếu cô từ chối thì họ giận, trách móc, khiến lòng cô không yên.

Hà thú nhận cuộc sống của mình cũng nhiều khó khăn thì không ai ở nhà tin, còn cho là cô viện cớ để không giúp đỡ gia đình. Từ đó, cô ngại về thăm nhà, ngại gặp người thân. Thỉnh thoảng có vài ngày nghỉ đi du lịch, cô cũng giấu gia đình vì nếu biết, mọi người lại hỏi vay tiền, bởi cho rằng cô giàu có, dư dả.

Thực tế cho thấy sống ở xứ người hay xứ mình, mọi người đều phải lao động vất vả; không ai có thể chỉ ngồi yên tận hưởng tiền bạc rơi vào tận sân nhà. Hiểu được điều đó, phụ nữ sẽ có cái nhìn bao quát, thận trọng hơn khi quyết định di cư đến một vùng đất mới. Mọi sự lựa chọn đều có được và mất.

(TH)