“Ân hận lớn nhất của đời tôi là cho con đi du học”

Đây là tâm sự của một bác sĩ ở Hà Nội khi các con của anh được cho đi du học sớm và cái kết anh cảm thấy đó là nỗi ân hận lớn nhất của đời mình.

Con xa dần bố mẹ

Ông H., Tây Hồ, Hà Nội là một bác sĩ đầu ngành ở Hà Nội, là bác sĩ ngoại khoa và đã từng đi du học ở nước ngoài. Ông H. nghĩ sẽ cho con mình một môi trường giáo dục tốt nhất. Vợ ông một người làm cùng  ngành của ông nhưng làm ở mảng tư nhân nên cũng có điều kiện. Ông bà hiểu những gì họ nhận được nếu cho con học ở Việt Nam. Chương trình học, cách giáo dục sẽ khiến con họ thui chột.

Hai vợ chồng ông H. bàn nhau cho các con đi du học sớm. Từ cấp 2, hai con trai của ông đã được bố mẹ cho sang Mỹ học. Các cháu học ở bên đó và được hỗ trợ từ bố mẹ về tài chính không phải lo nghĩ gì ngoài việc học.

Ông H. không than vãn gì về việc học hành của các con. Tuy nhiên, ông cảm thấy mình đã dần mất con. Ở tuổi 60 khi đã về hưu, ông sống một mình trong cô đơn. Ai hỏi vì sao, ông chỉ biết ngậm ngùi, vợ ông muốn sống cùng các con và bà đã sang Mỹ còn ông muốn ở lại Việt Nam và lủi thủi một mình.

Ông H. tâm sự về những tháng năm các con dần xa bố mẹ. Thời gian đầu các cháu nói chuyện với bố mẹ rất nhiều rồi thưa dần, thưa dần. Sống ở nước ngoài quá lâu, các cháu quay lại chê quê hương. Mỗi lần về Hà Nội, cháu rất ngại về quê thăm người thân họ hàng bởi các cháu chê những phong tục tập quán ở quê rườm rà. Có lần về quê viếng đám ma, nhân dịp các con về nghỉ hè, ông H. phải nói mãi con mới chịu về nhưng khi về tới nơi các cháu cho rằng đám ma quá hủ tục nọ kia. Ông đành muối mặt với họ hàng ở quê.

Mọi người thân thiết ở quê cũng dần xa cách với các cháu vì ai cũng sợ cái mác Tây học của chúng.

Ông H. kể, về Việt Nam chỉ bữa cơm gia đình ông đã cảm thấy mình thật sự mất con. Chúng đòi ăn mỗi đứa một bát nước chấm. Bất cứ thứ gì chúng cũng chê bẩn và lo sợ bệnh tật. Chỉ đơn giản là bát nước chấm, ông H. cho rằng mọi người chấm chung là văn hóa của người Việt Nam nhưng với con ông thì không đó là sự bẩn thỉu, truyền bệnh tật.

Mỗi lần ra đường, con ông về nhà lại than thở sao người Việt thế này, người Việt thế kia. Ông chỉ còn biết nói đó là cách sống, là văn hóa con phải quen nhưng tất cả đều vô nghĩa khi các con vẫn sợ chính quê hương mình.

Cô đơn vì cho con đi du học

Những khác biệt văn hóa khi chúng sống ở nước ngoài quá lâu, ông H. hiểu vì lúc trước khi ông đi du học ông cũng thấy điều đó nhưng về nước ông hòa hợp ngay còn con ông, chúng không muốn về nước.

Bằng mọi cách, hai con trai ông cố ở lại nước ngoài. Ông động viên nhưng con ông không về vì chúng không thích cách sống của người Việt. Những kỳ nghỉ hè thưa dần. Nếu trước đây mỗi năm con về nước 1 lần thì thời gian ngắt quãng 2 năm, 3 năm. Gần đây, con ông tuyên bố sẽ tìm mọi cách để có thẻ xanh ở lại Mỹ. Con trai lớn của ông lập gia đình với cô gái người Mỹ gốc Việt và 4 năm nay chưa về quê.

Nhớ con, vợ ông H. về hưu cũng sang Mỹ ở với con. Mỗi năm ông qua thăm con cháu 1 lần. Còn lại ông ở nhà một mình. Để giết thời gian, ông đi làm thêm cho các bệnh viện tư ở Hà Nội kiếm tiền. Mỗi lần ai nói về du học hay hỏi về tình hình các con, ông H. lại thở dài “nỗi ân hận lớn nhất của tôi là cho con đi du học sớm để rồi mất con”.