Con đường trở thành giáo viên ở Mỹ của một phụ nữ Việt
Chị Đinh Thu Hồng phải theo học chương trình đào tạo giáo viên và hoàn thành nhiều thủ tục để được cấp phép hành nghề dạy học ở Mỹ.
Chị Hồng, hiện là giáo viên trường Tiểu học Bethesda, học khu Gwinnett, bang Georgia, Mỹ. Sau hơn 10 năm đi dạy, nữ giáo viên thế hệ 7X nói đã có hiểu biết sâu sắc để chia sẻ về nghề sư phạm ở quốc gia này. Chị từng ra mắt ba cuốn sách về “Phát triển năng lực cảm xúc xã hội” và giáo dục STEM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật – Toán học) trong trường phổ thông Mỹ.
Theo chị Hồng, có hai cách để trở thành giáo viên ở Mỹ: đi theo đường truyền thống với việc tốt nghiệp chương trình đào tạo giáo viên ở một trường đại học, hoặc làm ở một ngành khác rồi xin vào trường học. Chị Hồng đi theo con đường thứ nhất.
Sang Mỹ định cư năm 2007, chị Hồng muốn làm giáo viên vì yêu trẻ, tính cách cẩn thận, kiên trì. Tuy nhiên, muốn theo chương trình đào tạo giáo viên, chị Hồng cần đáp ứng hai điều kiện: có bằng cử nhân một ngành nào đó và thi đỗ kỳ thi Praxis I, gồm ba môn cơ bản ở bậc tiểu học là Đọc, Viết và Toán.
Ở Việt Nam, chị Hồng tốt nghiệp khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và văn bằng hai khoa Tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ, đều thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Để đủ điều kiện đi học, chị phải gửi bảng điểm của trường Đại học Ngoại ngữ đi thẩm định và được quy đổi thành 96 tín chỉ – tương đương bằng cử nhân ở Mỹ.
Với kỳ thi Praxis I, vì không được học phổ thông ở Mỹ, chị Hồng mua tài liệu trên mạng và hiệu sách về tự ôn. Không gặp khó khăn với môn Đọc nhưng ở môn Viết và Toán, chị phải mất nhiều thời gian để học do từ vựng khó và nhiều. Chị Hồng đỗ Praxis I ở lần thi đầu tiên và trở thành sinh viên Đại học Stockton, bang New Jersey.
Thông thường, thời gian của chương trình đào tạo giáo viên tiểu học là hai năm. Nếu muốn dạy cấp 2 hay cấp 3, sinh viên phải học thêm vài môn nữa. Với chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL), chị Hồng phải học trong 3,5 năm.
Ngoài thời gian học trên lớp, sinh viên có bốn lần đi thực tập. “Thực tập diễn ra ngay kỳ học đầu tiên, đa dạng ở các khối lớp. Kỳ cuối, sinh viên được chọn thực tập ở khối lớp mình muốn gắn bó về sau”, chị Hồng cho hay.
Theo chị Hồng, mỗi kỳ thực tập có yêu cầu khác nhau. Kỳ đầu tiên, sinh viên chỉ quan sát, chưa phải dạy nhưng đến kỳ cuối cùng, chị phải dạy như một giáo viên thực thụ. Chị Hồng đã thực tập ở lớp mẫu giáo, lớp 3 và lớp 7. Chị giải thích, sở dĩ phải đi thực tập nhiều vì mỗi môn ở từng học kỳ sẽ có những bài tập cụ thể, sinh viên phải thực tập, quan sát, phỏng vấn thu thập thông tin mới có thể làm được bài.
“Muốn trở thành giáo viên ở Mỹ, bạn phải đi thực tập như vậy để hiểu rõ cách người ta dạy và học như thế nào. Có những thứ, tôi phải học lại từ đầu”, chị Hồng nói. Chị ví dụ, học sinh Mỹ được học viết chữ in, nhưng có lần khi viết bảng, chị đã dùng chữ hoa do quen cách viết ở Việt Nam. Vì học sinh không đọc được kiểu chữ này, chị phải tập viết dạng chữ in.
Cô giáo lớp 3 cho hay trong lúc đi học và thực tập, sinh viên có thể lấy thêm kinh nghiệm bằng cách trở thành giáo viên dạy thế. Mỗi giáo viên dạy thế nhận mức lương 135 USD một ngày (hơn 3,1 triệu đồng).
“Đây là cơ hội tuyệt vời để học nghề, gây dựng quan hệ, tạo ấn tượng với trường và hiệu trưởng”, chị Hồng nói, cho biết những người làm giáo viên dạy thế không chỉ có sinh viên ngành giáo dục mà còn có thể là nhà giáo nghỉ hưu hay phụ huynh.
Sau khi học xong chương trình 3,5 năm,chị Hồng phải vượt qua kỳ thi đầu ra Praxis II. Nếu dạy cấp 1, chị cần thi kiến thức tổng hợp của các môn Đọc, Viết, Khoa học và Xã hội, thi thêm Toán nếu muốn dạy Toán cấp 2. “Bạn thi đỗ Praxis II, thực tập đủ giờ và được điểm B trở lên, trường sẽ làm hồ sơ để xin giấy phép dạy học cho bạn”, chị Hồng nói, cho biết có những tiểu bang chỉ yêu cầu giấy phép nhưng có nơi như Virginia hay vài học khu của bang Georgia, ứng viên còn cần có thêm chứng chỉ về sơ cấp cứu.
Ngoài ra, chị Hồng còn phải xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm, trải qua nhiều bài kiểm tra và có hồ sơ pháp lý, bao gồm thông tin về nhân thân để được phép đến gần trẻ em.
Sau khi tốt nghiệp, chị Hồng dạy ESL tại một trường cao đẳng cộng đồng năm 2012, rồi từ năm 2013, trở thành giáo viên tiểu học tại học khu từng thực tập. Trong quá trình đi dạy, chị Hồng cho rằng thách thức lớn nhất là thích nghi về văn hóa. Mỹ là môi trường đa văn hóa, những đụng chạm như vỗ vai cũng có thể khiến giáo viên bị kiện. “Nhiều giáo viên không biết, vô tình có những hành động như vậy có thể bị mất giấy phép dạy học”, chị Hồng nói.
Để xin được việc làm, theo chị Hồng, ứng viên cần chủ động “quảng bá” mình và đọc nhiều thông tin tuyển dụng trên báo. “Tôi gửi hồ sơ khắp nơi, viết thư trực tiếp cho hiệu trưởng để giới thiệu mình. Nhờ làm giáo viên dạy thế ở các trường, tôi có nhiều mối quan hệ và có thông tin khi trường nào cần tuyển”, chị Hồng cho biết.