Lao động nước ngoài tại Nhật Bản: người làm công ăn lương hay là đối tượng bị bóc lột như nô lệ?

War Nu, cô gái Myanmar 27 tuổi đã rời ngôi làng nhỏ của mình vào cuối năm ngoái để tìm đến với Nhật Bản với mong muốn về một cuộc sống tốt hơn. Cô đã phải vay tới 3000 USD để trả cho một công ty môi giới việc làm trong nước để có thể có được một vị trí nhỏ trong một xưởng may mặc, do bị lôi cuốn bởi những lời hứa hẹn về mức lương cao hơn rất nhiều so với mức cơ bản cũng như cơ hội được học các kĩ năng mới để cải thiện tay nghề, tại một đất nước nổi tiếng với công nghệ tiên tiến.

Chân dung của War Nu, cô gái Myanmar 27 tuổi với cuộc sống khắc nghiệt tại Nhật Bản

Tưởng thiên đường, nhưng lại là địa ngục!

Nhưng hóa ra, thực tế dành cho cô gái trẻ lại tàn nhẫn vô cùng. Công việc mà War Nu được nhận chỉ là đóng gói hàng may mặc vào các hộp carton, đều đặn mỗi ngày từ 7h sáng đến 10h tối hoặc thậm chí là nửa đêm, và không hề có ngày nghỉ. Mức lương “trong mơ” mà cô đã mong ước, chỉ là 530 USD (hơn 60.000 yen) – bằng một nửa so với những gì cô được hứa hẹn, trong khi phải chịu đựng những lời sỉ nhục và quát mắng từ ông chủ mỗi ngày.

“Thật sự là những kẻ vô nhân đạo. Mỗi ngày tôi đều cảm thấy vô cùng căng thẳng và lo lắng tột độ. Tôi không rõ mình đã khóc bao nhiêu lần kể từ lúc sang Nhật Bản nữa. Cuộc sống ở đây thật tồi tệ”.

War Nu đến với Nhật Bản theo Chương trình Đào tạo Thực tập sinh kỹ thuật (TITP), một chương trình đã xuất hiện từ lâu được tạo ra nhằm tìm kiếm và đào tạo những lao động nước ngoài, giảm bớt tình trạng thiếu lao động thường xuyên tại Nhật do tình trạng dân số ngày càng thu hẹp lại. Đúng như tên gọi, chương trình sẽ cung cấp cho các công dân nước ngoài, chủ yếu là người châu Á, những công việc đồng thời đào tạo họ từ 3-5 năm trước khi họ trở về nước.

Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều ngược lại so với những gì chính phủ cam kết, khi phần lớn các trường hợp, hóa ra chỉ là sự hợp thức hóa của việc lạm dụng và bóc lột lao động của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Chương trình đào tạo thực tập sinh kĩ thuật: công cụ tiếp tay cho sự lạm dụng lao động

“Lấy danh nghĩa là đào tạo kĩ thuật, thế nhưng chương trình này đã sử dụng người lao động nước ngoài như một nguồn nhân công rẻ mạt và lấp đầy tình trạng thiếu lao động. Chúng ta cần phải kết thúc chương trình này lại, như là một biện pháp bảo vệ lấy lòng tự trọng và nhân phẩm của cả dân tộc so với các bạn bè quốc tế” ông Shiori Yamao, nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ Hiến pháp lên tiếng.

Đối mặt với thực trạng dân số ngày một suy giảm và già đi nhanh chóng, Thủ tướng Shinzo Abe đã đệ trình dự thảo luật về việc cho phép 345.000 công dân nước ngoài tới và làm việc tại Nhật Bản, bắt đầu từ tháng 4/2019. Tuy nhiên, dự thảo luật của chính quyền Abe lại nhận được rất nhiều sự phản đối và chỉ trích gay gắt từ phía Đảng đối lập, cho rằng dự thảo luật mới còn mơ hồ và không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.

Đặc biệt, nhiều nhà phê bình còn cho rằng ông Abe trước hết phải xử lý một cách nghiêm túc đống hỗn độn do chương trình đào tạo thực tập sinh gây ra, trước khi có ý định mở cửa cho hàng trăm nghìn lao động nước ngoài vào làm việc trong nước.

“Ép buộc lao động”, “điều kiện làm việc địa ngục”, nạn quấy rối tình dục và các lao động bị đối xử như nô lệ, đó chính là những từ ngữ mà các phương tiện truyền thông Nhật Bản đã nói về cuộc sống lao động khắc nghiệt của những công dân nước ngoài. Tuy nhiên, một điều đáng buồn hơn nữa là những người đang phải chịu bất công ấy lại không dám lên tiếng đòi lại công bằng cho mình, bởi họ không có quyền thay đổi công việc của mình như là một điều kiện trong hồ sơ xin thị thực: nếu người lao động dám lên tiếng than phiền, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc và trục xuất về nước.

Ngày nay, có khoảng 270.000 công dân nước ngoài, trong đó nhiều người đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Indonesia đến Nhật Bản và làm việc theo chương trình đào tạo TITP. Và rất nhiều người trong số họ, bỏ cả nghìn đô trả cho các công ty môi giới để có thể tìm được một công việc tại Nhật Bản, để rồi lại thấy bản thân mình mắc kẹt lại xứ người với một cuộc sống như trong địa ngục.

Gifu, thành phố ở miền trung Nhật Bản, cũng là trung tâm của những xưởng dệt may lớn của đất nước, ngày càng trở nên phụ thuộc hơn vào nguồn lao động nước ngoài giá rẻ để có thể duy trì sự cạnh tranh trên thị trường. War Nu, cô gái Myanmar được nhắc đến ở trên, hiện đang làm việc tại thành phố cho một công ty có tên là King Style, chia sẻ rằng ông chủ của mình đối xử với cô như một người nô lệ.

“Những lời chửi rủa vẫn diễn ra mỗi ngày, và tôi thậm chí còn không được phép mở miệng nói chuyện với bạn bè của mình. Nếu như tôi không làm theo những gì ông ta nói, ông ta sẽ lại nói: “Người Myanmar thật tệ, chả tốt đẹp tí nào” và đe dọa sẽ đuổi tôi về lại Myanmar. Tôi đã rất sợ, nhưng đành phải chịu đựng”. War Nu và 4 người phụ nữ khác chia sẻ với nhau 2 phòng ngay phía trên nhà máy, chỉ dành để ăn và ngủ, ngay đến cả thời gian nghỉ ngơi một chút trong ngày cũng không hề có.

Điều kiện lao động khắc nghiệt

Cả Bộ Ngoại giao và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đều nói rằng các công nhân nước ngoài, với điều kiện kinh tế kém, thường phải vay mượn số tiền lớn để có thể chạy hồ sơ và kiếm việc làm tại Nhật, nhưng cuối cùng cái kết mà họ nhận được lại hoàn toàn đối lập với những gì họ chờ đợi: làm việc liên tục hơn 10 tiếng một ngày với mức lương chỉ bằng một nửa so với mức lương tối thiểu, điều kiện làm việc nghèo nàn, nguy hiểm và không nhận được các điều kiện bảo vệ cơ bản; nguy cơ phải đối mặt với khoản tiền phạt nếu muốn kết thúc hợp đồng và về nước trước thời hạn.

Cuộc sống lao động như khổ sai đó đã dẫn đến một thực trạng đáng lo ngại khác: Khoảng 7.000 người lao động nước ngoài đã biến mất vào năm 2017 và 4.300 người khác bỏ việc trong sáu tháng đầu năm nay, nhiều người trong số họ tìm kiếm đường thoát cho mình bằng cách làm việc bất hợp pháp như những lao động không có giấy tờ.

Một cuộc điều tra của Bộ Lao động năm 2017 cho thấy trường hợp các nhà tuyển dụng đã vi phạm các quy định lao động lên tới con số hơn 4000 – hơn 70% những công ty được điều tra.

“Các công ty Nhật Bản không bị phạt cho dù có bị phát hiện về những hành động tàn nhẫn của mình” Myint Swe, chủ tịch Liên đoàn Công nhân của Công dân Myanmar cho biết. “Đó là một sự phân biệt đối xử rõ ràng mà chính phủ Nhật Bản cần phải giải quyết”.

War Nu và những người bạn của cô đã nhận được sự giúp đỡ và chuyển sang công ty khác.

Với sự giúp đỡ của Myint Swe và JAM – Hiệp hội kim loại, máy móc và công nhân sản xuất Nhật Bản, một công đoàn có ảnh hưởng – War Nu đã có thể rời khỏi xưởng may và người chủ của mình mà vẫn giữ được visa, đồng thời tìm được công việc mới tại một nhà máy may khác ở Gifu, nơi có điều kiện tốt hơn nhiều và cô cùng bạn bè mình đã có thể nở nụ cười hạnh phúc sau những tháng ngày như địa ngục.

Thế nhưng, được bao nhiêu người may mắn như War Nu, khi có thể thoát khỏi công việc như địa ngục của mình, hay là vẫn im lặng mà ngậm đắng nuốt cay làm việc hơn 10 tiếng một ngày mà vẫn không đủ sống?

 

 

Nguồn: The Washington Post