Mẹ Việt Kiều nhiều lần bật khóc khi con không nói chuyện tiếng Việt được với ông bà

Cho dù sống xa quê hương và sử dụng ngôn ngữ khác nhưng chị Hoàng Thị Trà luôn nỗ lực giữ gìn tiếng Việt cho con, mặc dù hành trình đó rất gian nan.

Mẹ Việt Kiều nhiều lần bật khóc khi con không nói chuyện tiếng Việt được với ông bà - ảnh 1
 Con gái lớn của chị hiện nay đã có thể nói và viết sõi tiếng Việt. Ảnh: NVCC

Gian nan dạy con tiếng Việt nơi xứ người

Vợ chồng chị Hoàng Thị Trà, hiện đang sống ở Anh và có hai cô con gái. Chị Trà là du học sinh, sang Anh học tập rồi lấy chồng sinh con tại đây. Hai con của chị năm nay 7 tuổi và 4 tuổi. Có thể nói, với chị, sang Anh là một ngã rẽ trong sự nghiệp. Lúc đầu dự định sẽ đưa gia đình nhỏ về lại Việt Nam, nhưng rồi khi công việc và cuộc sống đã ổn, chị quyết định ở lại.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV báo Báo , cũng từ việc ở lại, chị luôn trăn trở, canh cánh trong lòng về việc làm thế nào để các con có thể nói được tiếng Việt. Nước Anh không phải nơi có cộng đồng người Việt lớn mạnh giống các quốc gia khác như Mỹ, Đức, hay Úc. Vì thế việc có được môi trường cho con cái phát triển, gìn giữ tiếng Việt cũng khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Việc chị muốn con được nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt không hề đơn giản. Chị Trà muốn tìm một câu lạc bộ hoặc một lớp tiếng Việt để con có thể trực tiếp tham gia nhưng không có. “Trẻ em ở đây rất ít trẻ nói được tiếng Việt, đọc được chữ lại càng không. Có bé có thể nói tiếng Việt tốt là vì mẹ hoặc bố không nói được tiếng Anh, hoặc bố mẹ ở nhà chỉ giao tiếp với con bằng tiếng Việt.

Tuy nhiên khi bé gặp người ngoài thì rất ngại nói tiếng Việt, kể cả chơi với bạn bè người Việt thì cũng chỉ dùng ngôn ngữ là tiếng Anh. Nhìn chung hầu như các ba mẹ sẽ không ép buộc hoặc khuyến khích con mình nên dùng tiếng Việt khi giao tiếp. Chính vì vậy những trăn trở, lo lắng trong mình ngày càng lớn. Song mình vẫn quyết tâm về việc làm thế nào để con sử dụng được tiếng Việt ngày càng cao”, chị Trà thổ lộ.

Khó khăn ngoài xã hội là thế, song ngay cả trong gia đình nhỏ của chị Trà cũng có những trở ngại, bất đồng. Vì hai con sinh ra và lớn lên ở Anh, con đi học ở trường với các bạn cũng chỉ toàn nói tiếng Anh. Chồng chị cũng thường xuyên sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với con vì muốn con hòa nhập với môi trường cùng các bạn. Ở nhà, chỉ có chị dùng tiếng Việt để nói với con.

Con chị có vốn từ ít ỏi nên chỉ có thể nói với mẹ những câu ngắn gọn, thậm chí vốn tiếng Việt chưa đủ để con diễn đạt những suy nghĩ của mình, kể những câu chuyện ở trường. Nỗi niềm của người mẹ càng đau đáu khi con không thể nói chuyện với ông bà ở Việt Nam. Tiếng con gọi “Bà ơi, ông ơi” rồi trong câu chuyện kể lại đan xem những từ tiếng Anh (mỗi khi bé không biết diễn đạt bằng tiếng Việt thế nào) khiến chị thấy rất chạnh lòng. Khi không có ngôn ngữ làm phương tiện thì làm sao con có thể hiểu được các phong tục, tập quán của Việt Nam. Càng suy nghĩ, chị Trà càng cảm thấy cần phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn trong việc giữ gìn tiếng Việt cho con.

Sự thay đổi phương pháp của mẹ

Hiểu được rằng chỉ khi con có vốn tiếng Việt nhất định thì con mới cảm thấy yêu và thích sử dụng tiếng Việt. Thế là ngay từ khi còn bé, chị Trà đã hát ru con bằng những bài ca dao Việt Nam. Những lời hát ru có con cò, con vạc…đưa con vào giấc ngủ. Chị tin rằng chỉ có tình yêu, quyết tâm của mẹ mới có thể truyền đến con tình cảm với tiếng nói của quê hương, đất nước.

Đến khi con bập bẹ biết nói, chị cũng bắt đầu dạy con hát những bài hát tiếng Việt. Từ những bài hát đơn giản như Bàn tay mẹ, Đưa cơm cho mẹ đi cày, Về ăn cơm, Thương ca tiếng Việt… Chị tin rằng các giai điệu ngọt ngào sẽ giúp con yêu tiếng Việt nhiều hơn. Giai đoạn này cho đến khi con học mẫu giáo, chị kiên trì mỗi ngày đều nói tiếng Việt với con.

Mặc dù ở giai đoạn từ 1 đến 4 tuổi, con chỉ có thể trả lời câu hỏi của chị một cách ngắn gọn. Thậm chí chị Trà biết có nhiều khi nói với con bằng tiếng Việt mà con lại trả lời bằng tiếng Anh. Có những đêm ôm con vào lòng, nghĩ về đất nước, nơi còn cha mẹ, ước ao một ngày con có thể nói chuyện bằng tiếng Việt với ông bà thành thạo lại dấy lên. Chị càng quyết tâm cho thay đổi phương pháp của chính mình để hỗ trợ con.

Sự thay đổi đầu tiên là chị bắt đầu dùng các hình thức khen thưởng để khuyến khích con mỗi khi con nói đúng từ và trả lời chính xác các câu hỏi của mẹ. Chị bắt đầu đăng ký các lớp học cho con học vẽ, học nhạc online mà giáo viên là người Việt Nam. Trong lớp học hoàn toàn sử dụng tiếng Việt. Đặc biệt, chị tìm lớp tiếng Việt online cho con, con được học bài bản từ bảng chữ cái, đến phần ghép vần rồi học các cấu trúc ngữ pháp phức tạp.

Mẹ Việt Kiều nhiều lần bật khóc khi con không nói chuyện tiếng Việt được với ông bà - ảnh 2

Chị Trà sử dụng nhiều phương pháp giúp con gái út giao tiếp tiếng Việt được nhiều hơn. Ảnh: NVCC

Chị Trà vẫn còn nhớ như in về những lúc gọi điện về cho ông bà ở Việt Nam, khi thấy cháu nói tiếng Việt lưu loát ông bà đã rất vui. Đối với ông bà, việc giao tiếp với cháu dễ dàng bằng tiếng Việt là một món quà lớn nhất. Cũng từ khi các con thông thạo tiếng Việt thì hàng ngày các bé đi học về đã tíu tít kể cho chị nghe đủ thứ chuyện ở trường, ở lớp bằng tiếng Việt. Sự tiến bộ đó của con chị còn trở thành động lực cho các gia đình người Việt khác ở Anh.

Nhìn lại hành trình dài 7 năm vừa qua, đôi lúc chị Trà cũng thầm cảm ơn các con đã hợp tác với chị để học và nói tiếng Việt. Giờ đây, chị mong con sẽ lớn khôn, trưởng thành ở nước Anh nhưng con vẫn giữ được tiếng Việt. Giữ được tiếng nói là giữ được tâm hồn Việt và văn hóa Việt.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh mới đây ký Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030”. Việc tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9 có ý nghĩa nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng.

Chị Phạm Thị Hương Quỳnh, sáng lập kênh youtube “ViLing Tiếng Việt của em” cho biết: “Hiện nay cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh. Một vấn đề quan trọng được đặt ra là làm thế nào để giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Trong quá trình ấy rất cần thiết có sự đồng hành của cha mẹ. Cha mẹ nên cho con học tiếng Việt bắt đầu từ lúc 4 tuổi, lúc này con vừa học vừa chơi, tiếng Việt trở thành niềm thích thú của các con. Ngoài ra, cha mẹ có thể tìm trung tâm uy tín, chất lượng để dạy tiếng Việt cho con. Việc hàng ngày cho con xem các kênh tiếng Việt cũng là một cách để trau dồi ngôn ngữ và giúp con yêu thích tiếng Việt”.