Nam sinh tốt nghiệp xuất sắc song ngành ở Mỹ

Cựu học sinh chuyên Tin ở Hà Nội tốt nghiệp hạng xuất sắc hai ngành Hóa và Thần kinh học tại Mỹ, dù mất cả năm xáo trộn cuộc sống vì dịch bệnh.

Lưu Hoàng Bách, 22 tuổi, tốt nghiệp hạng xuất sắc (cum laude) song ngành Hóa Sinh và Thần kinh học với điểm trung bình học tập (GPA) 3,72/4 tại Đại học Miami. Theo hệ thống khen thưởng của các đại học Mỹ, sinh viên ưu tú sẽ được trao bằng danh dự có thêm các chữ cái Latin, thứ tự từ thấp đến cao gồm “cum laude”, “magna cum laude” và “summa cum laude”.

“Em đặt mục tiêu GPA cao hơn. Dù vậy, điểm số đạt được không ảnh hưởng đến dự định sau này nên em không hụt hẫng lắm”, Bách nói.

Năm 2019, cựu học sinh chuyên Tin, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, giành học bổng toàn phần của Đại học Miami. Bách quyết định rẽ hướng sang học Hóa Sinh.

“Em thích cách Hóa Sinh áp dụng trong đời sống”, Bách nói.

Nam sinh trước đó từng sợ môn Hóa. Nhưng ở đại học, môn Hóa được nhìn nhận và giảng dạy khác với với cấp phổ thông. Thay vì thiên về tính toán và học thuộc, nam sinh được học về bản chất của mọi sự vật.

Bách trong lễ tốt nghiệp Đại học Miami tại Mỹ hồi tháng 5. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bách trong lễ tốt nghiệp Đại học Miami tại Mỹ hồi tháng 5. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Học được một kỳ ở Mỹ, Bách phải về nước vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, Bách bị kẹt lại ba tháng, trước khi có chuyến bay giải cứu về Việt Nam. Ký túc xá của trường ở bang Ohio đóng cửa nên nam sinh phải thuê nhà gần sân bay tại thành phố San Francisco, bang California, cùng 15 người Việt khác. Bách và hai du học sinh được ưu tiên cho việc học, các anh, chị khác đảm nhận nấu ăn, dọn dẹp.

Suốt ba tháng đó, Bách học online. Em tận dụng thời gian để học các môn đại cương, lý thuyết cơ bản, để dành môn thực hành và chuyên ngành cho các năm sau.

“Rất vất vả nhưng em được mọi người giúp đỡ và đùm bọc nên đỡ căng thẳng hơn”, Bách kể. Nam sinh cho biết không gặp khó khăn để nghe hiểu bài giảng bằng tiếng Anh. Các giáo sư cũng tạo điều kiện, giải đáp thắc mắc và chỉ dẫn nguồn tài liệu để sinh viên tự nghiên cứu.

Tháng 5/2020, Bách về Việt Nam và tiếp tục học online suốt một năm. Trở ngại lớn nhất của em khi đó là lệch múi giờ. Lớp học trên Zoom, không có video quay lại bài giảng, vì thế Bách buộc phải thức theo giờ Mỹ. Giờ học bắt đầu lúc 8-9h, tức 19h ở Việt Nam, có hôm kết thúc muộn nhất lúc 4h sáng hôm sau.

“Đa phần em ngủ ngày, sống đêm”, Bách nhớ lại. Để tập trung học, Bách sắp xếp thời gian hoàn thành xong bài tập giữa các tiết, thay vì dời lại hôm sau. Cách này giúp em luôn trong trạng thái học liền mạch, không bị xáo trộn bởi những việc khác. Lúc thi, Bách làm bài qua phần mềm chống gian lận và phải đặt camera giám sát xung quanh. Nhờ sự nghiêm túc và tập trung, Bách đạt điểm GPA tối đa vào năm thứ hai.

Tháng 7/2021, Bách trở lại Mỹ, chật vật với việc ổn định cuộc sống thời gian đầu. Dù những quy định liên quan đến dịch bệnh đã được nới lỏng song Bách luôn nơm nớp. Sang năm thứ ba, Bách cũng bắt đầu học các môn khó và nặng, nhất là Lý, Hóa. Kết quả học tập đầu năm này của Bách tụt xuống, chỉ đạt điểm 3.5.

“Em khá bình tĩnh. Em hiểu lý do tại sao điểm số xuống như thế nên tìm cách thay đổi”, Bách nói. Sau mỗi bài học, bài thi, chỗ nào vướng mắc, em sẽ hỏi lại giáo sư và xin cơ hội gỡ điểm. Bằng cách này, điểm số các kỳ học sau của Bách dần tăng trở lại.

Trong học kỳ hai của năm thứ ba, Bách đăng ký thêm chuyên ngành Thần kinh học sau khi bị cuốn hút bởi môn Tâm lý học. Bách cho hay hai ngành Hóa Sinh và Thần kinh học không liên quan đến nhau nhưng nhìn nhận “học được thì ấm vào thân” nên quyết định thử sức. Học hai chuyên ngành cùng lúc với tối đa 20 tín chỉ mỗi kỳ khiến lịch trình của Bách trở nên bận rộn.

“Giai đoạn thi giữa kỳ luôn căng thẳng nhất. Em đã phải thay đổi chiến thuật”, cử nhân Đại học Miami cho hay. Ban đầu, Bách định học hết môn nào sẽ tập trung làm bài tập môn đó. Tuy nhiên, thi giữa kỳ có môn thi trước và thi sau. Việc này do giáo sư quyết định nên Bách phải ưu tiên ôn các môn thi trước.

Vào năm cuối, Bách xin làm trợ lý các phòng thí nghiệm trong trường để học hỏi và nghiên cứu. Thay vì làm bài tập, sinh viên phải thuyết trình về nghiên cứu của mình tại các hội nghị ở trường. Nhờ có nghiên cứu cùng giáo sư về phương pháp theo dõi sự phát triển của khối u, Bách không phải làm khóa luận tốt nghiệp.

“Em muốn học lên bậc học cao hơn để theo đuổi đề tài nghiên cứu này”, Bách nói.

Cô Nguyễn Thị Thùy Linh, giáo viên chủ nhiệm của Bách thời cấp ba, nói nam sinh học giỏi và học toàn diện, nổi trội ở các môn khoa học tự nhiên và Tin học. Từ ngày đó cô đã nhận thấy Bách thích mày mò nghiên cứu khoa học, chủ động khám phá, tìm hiểu thêm về những kiến thức được học.

“Tôi không bất ngờ về thành tích của Bách vì ngoài sự thông minh, Bách đã nỗ lực từ rất sớm và có sự đồng hành của gia đình”, cô Linh nói.

Hiện Bách ở Hà Nội, tham gia một dự án nghiên cứu về ung thư phổi với các chuyên gia của trường Đại học Y Hà Nội. Ngoài ra, nam sinh nhận dạy kèm tiếng Anh, SAT (bài thi chuẩn hóa dùng xét tuyển đại học Mỹ), AP (môn học nâng cao, dự bị đại học) cho một số học sinh, trước khi trở lại Mỹ làm tiến sĩ vào năm sau.