Người Việt ở Nga 20 mùa gió tuyết – Những mảnh đời luân lạc

Gặp anh tình cờ giữa cái lạnh như cắt tại một quán nước trong khu chợ người Việt ở thành phố Volgagrat. Anh gây sự chú ý cho tôi bởi khuôn mặt đen sạm vì rám tuyết, bởi những câu tiếng Việt ấp úng lúc bí từ. Ánh mắt anh hiền nhưng ẩn chứa trong đó sự từng trải của một người đàn ông ngoài 50.

Sau rất nhiều lần tiếp cận, anh đồng ý kể câu chuyện của mình với điều kiện hãy gọi tên anh là Xasa, đừng nêu tên thật vì nhỡ mẹ anh đọc được thì đau lòng.

xBdI0C3O.jpg

Nghề cửu vạn trong cái rét âm 25OC – Ảnh: Thế Anh

20 năm của một người “mất tích”

Trong cơn chếnh choáng của loại Vodka rẻ tiền, anh kể: “Tôi qua Nga từ năm 1988, làm phiên dịch cho đoàn công nhân xây dựng VN ở thành phố Volgagrat. Được hơn một năm sau thì công ty bắt đầu rơi vào khó khăn, hàng loạt công trình ở đây bị ngưng trệ do khủng hoảng. Chúng tôi được chuyển về một thành phố khác. Liên Xô tan rã, anh em tứ tán. Người quay lại Volgagrat, người ngược lên Matxcơva tìm việc. Tôi trở về Volgagrat và tập tành đi buôn.

Ngày đầu ra các chợ tạm mới mọc lên ở trung tâm thành phố bán hàng may mặc. Nhưng do thiếu kinh nghiệm nên việc làm ăn của tôi liên tục thua lỗ, bị dạt dần ra các chợ ven ô. Vốn càng ít, tôi lại càng xa trung tâm. Đến khi hết vốn đi năn nỉ anh em đồng hương lấy nợ vài cái quần bò, áo phông về chợ quê bán. Số nợ ngày một chồng chất, chẳng còn ai cho nợ nữa. Tôi rơi vào tuyệt vọng… Đó là mùa bão tuyết năm 1991”.

Trước cơn tuyệt vọng, anh đã chạy trốn chính bản thân. Anh đi mà chẳng biết đi về đâu, chỗ nào không có người Việt là anh tới. Đó là những ngày tháng đau buồn: “Tôi cắt đứt liên lạc với bạn bè Việt và gia đình ở quê. Tôi tự đặt cho mình một cái tên Xasa theo người Nga để đoạn tuyệt với quá khứ. Lúc đầu tôi bỏ về vùng Cộng hòa Baskiria làm thợ xây cho những ông chủ người Nga. Vùng núi Ural này lạnh lắm, mùa đông có những ngày âm đến 40 độ, nhưng chúng tôi vẫn phải tay trần sửa chữa trong những ngôi nhà cũ nát. Làm được một thời gian thì ông chủ phá sản, tôi lại lặn lội về các miền quê xa xôi kiếm sống.

Đào khoai tây thuê, chặt gỗ thuê, dọn tuyết thuê…, việc gì cũng làm miễn có chén xúp, lát bánh mì qua bữa. Có những mùa đông không mua nổi áo ấm mặc phải đi xin người Nga những chiếc áo cũ vá lại chống rét. Sống ở vùng núi Ural suốt gần 10 năm, quanh tôi chỉ toàn là người Nga, không một bóng dáng người Việt. Nhiều năm liền tôi chỉ ăn khoai tây luộc và cá câu được dưới sông, nhiều từ tiếng Việt bắt đầu quên…”.

Lây lất từ làng quê này đến làng quê khác, đến năm 1999 anh bị dạt về một thị trấn nhỏ có tên là Mixx. Ở đấy có một chợ nhỏ của người Hoa buôn bán, cả thị trấn chỉ có năm người Việt sinh sống. Họ là những người có hoàn cảnh như anh. Anh mua một cái kim và mấy cuộn chỉ rồi ngồi ở góc chợ làm nghề vá giày. Chợ không có mái che, những ngày đông giá rét vai Xasa phủ đầy tuyết, tay tê cứng nhưng cố kiên trì bám trụ. Nhiều lần anh vừa vá giày cho khách vừa khóc vì rét, vì đói, vì tủi nhục! Passport đã hết hạn từ lâu nhưng cũng chẳng có tiền để đổi, Xasa sống như một người vô thừa nhận.

Lúc ấy, tại Volgagrat nhiều người bạn của anh tin anh đã chết. Còn ở quê nhà, ai hỏi mẹ anh chỉ biết nói là nó đã mất tích 20 năm nay. Một người bạn cũ đã nhắn tin khắp nơi tìm kiếm. May thay có một người Việt biết anh ở Mixx nên đã báo tin. Anh Dương Hải An, chủ tịch Hội Người Việt ở Volgagrat, kể lại: “Lúc đó nó chẳng có lấy một đồng bạc, lại không có giấy tờ tùy thân nên tôi phải gọi điện nhờ bạn bè thuê taxi chở hơn 2.000 cây số về đây”.

Nhờ bạn bè bảo bọc, bây giờ Xasa đã trở lại với cái tên Việt của mình, đã được về thăm mẹ và có công việc ổn định. Câu chuyện kết sau 20 năm mất tích của anh đã có hậu.

Cửu vạn xứ người

Mặc dù ngoài trời âm đến 36 độ nhưng anh Trần Văn Hưởng vẫn cố gồng mình kéo xe hàng nặng trĩu trên con đường đầy tuyết. Đó là những chuyến xe cuối cùng trong nghề cửu vạn nơi xứ người bởi anh đang chuẩn bị về lại quê nhà. Qua Nga từ năm 2005, Hưởng cũng như bao lớp trẻ đến “nước Nga mới” đều ôm mộng làm giàu từ hai bàn tay trắng.

Từ Lệ Thủy, Quảng Bình, anh đến Nga không một đồng vốn và người thân. Hưởng xin bán hàng cho một chủ Việt ở chợ Vòm với đồng lương ít ỏi. Chợ Vòm đóng cửa, Hưởng chạy về chợ Zom của người Việt tại Ufa sống bằng nghề cửu vạn. Anh nói buồn: “Chẳng ai muốn đi Tây làm cửu vạn cả anh ạ. Để kiếm được đồng tiền tụi tôi phải quần quật với những bịch hàng to nặng giữa gió tuyết cả ngày lẫn đêm.

Lúc nhiều việc nhất cũng chỉ kiếm được 500-600 usd/tháng, lúc ít việc chỉ đủ đắp đổi qua ngày”. Nhìn Hưởng ngồi gói ghém mấy bộ áo quần nhàu nát, vài món quà vặt để chuẩn bị về nước mà tôi thấy buồn. Sau năm năm bôn ba nơi xứ người, vốn liếng mà anh mang về quê lại là món nợ 1.000 USD mà anh nhờ bố mẹ vay mượn để mua vé về nước.

Nhiều thanh niên Việt ở Nga tìm đến nghề cửu vạn như một lối thoát trong bước đường cùng. Theo chân một chủ người Việt vào kho hàng ở tận ga điện ngầm Medvedkovo, nhìn kho hàng to lớn, rồi nhìn những giọt mồ hôi vã ra từ những khuôn mặt hốc hác giữa gió tuyết, tôi thấy họ quá can trường.

Có người đã làm nghề này suốt hơn 10 năm. Anh Đoàn Đình Tứ, một cửu vạn quê ở Bắc Giang, kể: “Tụi tôi phải bốc vác thuê dưới trướng một tay cai người Việt. Bất kể ban ngày hay nửa đêm giá rét, hễ có hàng là ông chủ chở tụi tôi đi bằng chiếc xe tải bít bùng. Những lúc hàng nhiều, tụi tôi phải làm việc suốt cả ngày lẫn đêm trong cả tuần liền. Vất vả là vậy nhưng cũng chỉ dành dụm được mỗi tháng vài trăm usd, đủ sinh hoạt và gửi về quê nuôi vợ nuôi con. Có người đã gần 10 năm nay chưa một lần về thăm gia đình!”.

Ngày 2-12-2009 tại sân bay Mododedovo, Matxcơva, tôi chứng kiến cảnh đau lòng của 15 người Việt, phần lớn là công nhân xây dựng bất hợp pháp, bị Nga trục xuất về nước. Họ bị cảnh sát áp giải ra sân bay trong một chiếc xe bít bùng, trên người không một gói hành lý. Nhiều người thân biết tin đã cố mang vài gói quà, mấy bộ quần áo để họ mang về nhưng đều nhận được cái lắc đầu từ phía công an Nga. Họ lầm lũi rời khỏi nước Nga với những giọt nước mắt thương cảm của người thân…

Tuổi trẻ online