“Sóng ngầm” của người già gốc Việt tại Mỹ
Ở quận Cam, bang California – Mỹ có rất nhiều người gốc Việt sinh sống nhưng phần lớn người cao tuổi lại khó nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Tricia Nguyễn kể rằng bà ngoại 93 tuổi của cô lủi thủi một mình trên giường bệnh, gắng “kiêng” nước uống để tránh làm bẩn tã và không thể nào cậy nhờ bất kỳ ai.
Lần duy nhất người bà gặp nhân viên y tế là khi hai đứa cháu đến thăm và giao tiếp với họ bằng tiếng Anh. Tricia Nguyễn nói rằng chỉ có một y tá biết tiếng Việt. Người nhà dù biết tiếng bản xứ nhưng không phải lúc nào cũng có mặt được.
Theo báo địa phương The Orange County Register, việc ngôn ngữ là rào cản trong sinh hoạt, dịch vụ chăm sóc sức khỏe không phải là vấn đề mới và dần được cải thiện khắp nước Mỹ.
Đây là vấn đề đáng quan tâm khi bang California là nơi tập trung nhiều người Việt nhất ở Mỹ, trong đó có đến 200.000 người chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng Việt có nhu cầu tìm đến bệnh viện, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Bệnh viện Fountain Valley dùng iPad kết nối với người phiên dịch, phá vỡ rào cản ngôn ngữ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Ảnh: THE ORANGE COUNTY REGISTER
Có đến 46% cư dân không thể giao tiếp bằng tiếng Anh ở quận Cam. Ảnh: THE ORANGE COUNTY REGISTER
Joe Lee, trợ lý kỹ thuật và đào tạo của Hiệp hội các tổ chức y tế cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương, nhận định: “Tiếng Anh bập bẹ chính là nguyên nhân lớn nhất khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á nói chung, người Mỹ gốc Việt nói riêng, không được chăm sóc sức khỏe kịp thời”.
Hiệp hội này đang tìm cách cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các phòng khám cộng đồng và trung tâm y tế. Ông Joe Lee cho rằng hiện tại thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể đáp ứng nhu cầu ngôn ngữ của người nhập cư và người tị nạn.
Giám đốc Phục hồi chức năng tại Bệnh viện Fountain Valley thuộc TP Fountain Valley ở quận Cam cho biết nghĩa vụ của các bệnh viện là luôn đảm bảo có người phiên dịch giỏi để hỗ trợ bệnh nhân khi cần thiết.
Do đó, trước tình hình có đến 46% cư dân không thể giao tiếp bằng tiếng Anh, các bệnh viện ở quận Cam bắt đầu tăng cường nhân viên, những người phiên dịch sẵn có tại địa phương cùng các dịch vụ dịch thuật trực tuyến. Chẳng hạn, Bệnh viện Fountain Valley và Trung tâm y tế Orange Coast đang sử dụng iPad để kết nối bệnh nhân với người phiên dịch từ khắp đất nước. Bằng cách này, Bệnh viện Fountain Valley có thể tiếp nhiều người bệnh thuộc hơn 200 ngôn ngữ.
Với 10 năm trong nghề, bác sĩ gốc Việt Daniel Vo thuộc Tập đoàn y tế Hoag cũng gặp khó khăn trong điều trị mỗi khi gặp bệnh nhân nói các ngôn ngữ khác. Lúc đó, ông đặt hết niềm tin vào người phiên dịch. “Tôi khuyên mọi người nên nhờ người thân phiên dịch” – bác sĩ Daniel Vo nói.
Còn ông Joe Lee kể về một trường hợp không mấy dễ thở khi bệnh nhân người Việt sử dụng công cụ trực tuyến để chuyển ngữ, khiến ông gánh không ít khó khăn trong lúc điều trị do công cụ ấy không hiểu được phương ngữ của bệnh nhân.
Nhiều địa phương không có nhân viên y tế biết tiếng Việt làm một số bệnh nhân lớn tuổi có dấu hiệu trầm cảm. Hiện nhiều lớp học về nghệ thuật, thiền và âm nhạc dành cho những người không giao tiếp được bằng tiếng Anh để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
(nld.com)