Tạm biệt cái giá lạnh của Canada, Việt kiều trải lòng: “Tôi về Việt Nam, chẳng nơi đâu bằng TP. Hồ Chí Minh”
Tạm biệt thành phố Toronto giá lạnh, nghèo nàn, lạc hậu và đầy rẫy tệ nạn xã hội, tôi trở về thăm quê hương yêu dấu vào một ngày cuối tháng ba khí hậu oi nồng.
Đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất đúng 12 giờ trưa, hơi lạnh từ các máy điều hoà được mở hết công suất không làm giảm ánh nắng gay gắt bên ngoài lăng kính của ga hàng không lớn nhất Đông Nam Á này. Nhìn đoàn người rồng rắn xếp hàng đợi làm thủ tục nhập cảnh mà tôi ngán ngẩm, nhủ thầm không biết khi nào mới đến lượt mình. Nhưng tôi đã lầm, các anh hải quan Việt Nam với tác phong rất chuyên nghiệp, họ làm thủ tục check-out nhanh không quá ba mươi giây cho mỗi hành khách. Đoàn người dần dần ngắn lại.
Khi đến lượt tôi, anh hải quan trẻ tuổi trán lấm tấm mồ hôi vui vẻ hỏi thăm về hành trình bay, sức khoẻ của tôi cùng gia đình, sau đó anh nhã nhặn thông báo về số hành lý mà tôi đem vô Việt Nam như sau:
– Thưa anh, bộ phận giao nhận hành lý báo cho tôi biết là anh đem số lượng vàng, ngoại tệ và kim cương về Việt Nam nhiều trên mức quy định, nhưng chúng tôi biết anh vi phạm lần đầu nên quyết định không xử phạt đâu ạ.
Nghe anh hải quan nói thế, tôi vui quá thật thà khai luôn:
– Nói thật với em, số tiền hai triệu đô, mấy ký vàng lá cùng nửa ký hột xoàn là tài sản của anh dành dụm trong mười năm bưng phở, rửa chén và quét rác bên Canada đấy em ạ. Nay anh quyết định đem hết về Việt Nam để giúp các bé gái từ 18 đến 25 tuổi ở mấy quán bia ôm làm vốn buôn bán, mong các em thông cảm.
Anh hải quan trẻ thay đổi cách xưng hô, nhìn tôi cười tươi rói, vui vẻ bảo:
– Tụi em biết mà, nên không ph ạt anh đâu. À, còn mấy chục cái iphone X với va-li nước hoa, lần sau anh nhớ ràng buộc cẩn thận nhé, kẻo bể thì tiếc lắm. Tất cả đang ở đây, mời anh kiểm tra cho kỹ xem có thất thoát gì không ạ !
Nói xong anh quay qua hai người bạn hải quan ở bàn bên cạnh lúc này đã hết khách, nhờ họ bỏ hành lý của tôi lên xe, đẩy ra cửa dùm. Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp ấy, tôi có nhã ý tặng mỗi anh một cái iphone thì mấy anh khoát tay:
– Cảm ơn anh, chúng em không nhận đâu ạ, anh hãy để dành tặng những người nghèo hơn tụi em.
Tôi cố nài nỉ họ nhận làm kỷ niệm, nhưng thái độ của họ từ chối rất dứt khoát, một anh nói:
– Chúng em làm hải quan tuy đồng lương không bao nhiêu, nhưng cũng đủ nuôi vợ và các con rau cháo qua ngày anh ạ, hôm nào rảnh anh mời tụi em ly cà phê cóc là vui rồi.
Nói xong họ lịch sự cúi chào tôi rồi quay trở lại với công việc thầm lặng ấy. Tôi ngoắc một chiếc taxi bụng nghĩ thầm “Người gì đâu mà dễ thương thế, ước gì mình có được người thân làm hải quan như mấy anh này thì tự hào biết mấy”.
Taxi đưa tôi về dọc theo đại lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa cây dài bóng mát, dòng người xe tuy đông đúc nhưng lưu thông một cách trật tự, không hề nghe tiếng còi xe nhặng xị inh ỏi như ở Toronto. Khi xe dừng đèn đỏ ở ngã tư Lý Chính Thắng, bác tài taxi lỡ cán vạch dành cho người đi bộ một chút liền bị chú công an giao thông áo vàng đưa gậy mời tấp xe vào lề. Tôi mở cửa xe bước xuống với bác tài, trình bày hoàn cảnh của mình vì xa nhà đã lâu, nôn nóng được về đoàn tụ cùng ông bà. Chú công an nhìn tôi với ánh mắt nhân hậu rồi nhỏ nhẹ nói:
– Thôi, hai anh đi đi, lần sau nhớ chạy cẩn thận bác tài nhé. Chúc anh có những ngày vui vẻ bên người thân sau bao năm xa cách quê hương.
Tôi cảm ơn và xót xa khi chợt nhận ra chú công an ốm yếu gầy còm đứng giữa trưa nắng gắt cầm gậy điều khiển giao thông, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Tôi lại gần, móc ví lấy mười tờ một trăm đô dúi vào tay chú, khẽ nói:
– Xin gửi anh chút đỉnh cà phê ăn sáng. Mong anh nhận cho tôi vui.
Chú công an thay đổi ngay thái độ hiền hoà ban đầu, anh đứng nghiêm, quắc mắc nhìn tôi, nét mặt đanh lại, nói dõng dạc từng tiếng một:
– Chúng tôi, những người cảnh sát giao thông, đói cho sạch, rách cho thơm, thà chết chứ không bao giờ nhận tiền của dân, anh vui lòng cất tiền vô, nếu không tôi sẽ lập biên bản truy tố anh về tội đưa hối lộ !
Nghe chú công an nói thế tôi đỏ mặt thẹn thùng cất tiền vào ví, ngượng nghịu chào chú rồi lên xe. Trên đường về tôi cảm thấy thật xấu hổ nhục nhã vì những hành động của mình vừa qua. Tuy vậy, lòng tôi rộn ràng niềm hạnh phúc, một sự tin tưởng vô bờ bến đối với những người tuy xa lạ nhưng rất đỗi gần gũi, luôn hiện diện quanh tôi mọi lúc mọi nơi, mà như anh hải quan và chú công an giao thông kia là một ví dụ điển hình.
Vì cảm xúc dâng tràn, tôi không kiềm chế được bản tính hiếu thắng bốc đồng của mình, nên đợi lúc xe chạy đến cầu Điện Biên Phủ thì kêu bác tài dừng xe, tôi nhảy xuống leo lên lan-can cầu, đứng thẳng ngửa mặt lên trời, dang rộng hai tay và hát rất to:
“Những thành phố Tê đã đi qua,
Đây Sô-ma-li, đây Cam-pu-chia, đây Ca-mơ-run.
Nhưng có đâu bằng Thành phố Hồ Chí Minh hôm qua, nhưng có đâu bằng Thành phố Hồ Chí Minh mai sau, Tê có mơ ngày hát câu hồi hương….!”
Vừa hát đến đây ngó xuống thấy người đi đường thắng xe lại nhìn mình một cách khác lạ, tôi quê quá dừng lại không hát nữa vội chui vào xe rồi kêu bác tài chạy một mạch. Về đến nhà không kịp thay quần áo tắm rửa cơm nước, tôi vội viết lại câu chuyện này để dành năm sau gửi đi dự cuộc thi nói dóc nhân ngày Cá Tháng Tư trên phây-bút.
Theo Vincent Le – Hội du học sinh Toronto
(tinnuocmy.com)