Việc làm cho người Việt ở Pháp có phổ biến không?
Ở Pháp đặc biệt là ở Paris, công việc làm thêm rất phổ biến cho sinh viên có nhu cầu làm thêm. Có rất nhiều các loại hình công việc mà phù hợp với hoàn cảnh, thời khóa biểu của mỗi sinh viên. Điều quan trọng là bạn cần phải biết cách tìm kiếm một công việc phù hợp với khả năng và thời gian biểu sinh hoạt của bạn.
Dù là công việc làm thêm nhưng bạn cũng vẫn phải chú ý đến CV + Lettre de motivation (Đơn xin việc), nên trình bày CV và thư rõ ràng rành mạch, ngắn gọn. Có kinh nghiệm là một lợi thế khi đi xin việc, họ sẽ để ý đến những người đã từng có kinh nghiệm đi làm dù là việc làm đó không giống với việc bạn đang xin làm, bởi họ đánh giá cao sự va chạm của bạn trong cuộc sống. Cho nên, ở Việt Nam bạn đã từng làm công việc làm thêm nào thì đừng ngần ngại đưa vào hồ sơ xin việc ở Pháp.
Công việc làm thêm rất phổ biến cho sinh viên ở Pháp
Về mặt luật pháp, sinh viên nước ngoài tại Pháp, với thẻ cư trú « Sinh viên », được phép làm việc tại Pháp mà không cần xin giấy phép lao động với điều kiện tổng số giờ làm việc trong năm không quá 964 heures. Theo như chúng tôi thống kê sau khi thông qua rất nhiều những sinh viên đi học và đi làm thêm ở Pháp thì có khoảng 6 loại công việc như sau :
1. Trông trẻ
Công việc này bạn sẽ có thể dễ dàng tìm thấy trên các site internet với từ khóa (mot clé) « garde d’enfant » hoặc « baby sitter » đặc biệt là trên trang web: www.bebenounou.fr. Nó bao gồm những hình thức trông trẻ như sau :
+ “Baby sitter” : Với trẻ em dưới 2 tuổi, chưa xin được một chỗ trong nhà trẻ (crèche), bố mẹ bé sẽ cần bạn trông trẻ gần như là cả ngày (thường từ khoảng 9h sáng đến 7h tối), công việc này thích hợp với những bạn đang trong quá trình học tiếng có nhiều thời gian rỗi, vừa có thể trông trẻ vừa học.
+“Sortie d’écoles, le mercredi” (trông trẻ hàng ngày sau giờ học và cả ngày thứ tư): trường hợp này rất phổ biến, vì thích hợp giờ học của các bạn sinh viên, các bạn sẽ đến trường đón bé, thường là 16h30 (đối với trẻ đi mẫu giáo và cấp 1) đến 18h (đối với trẻ đi nhà trẻ), đưa chúng về nhà, tắm cho trẻ, cho ăn và chơi cùng chúng cho đến lúc bố mẹ trẻ về. Đối với những trẻ đã đi học thỉnh thoảng các bạn giúp chúng làm bài tập.
+ « Jeune fille au pair » (ở cùng nhà với gia đình chủ nhà) : với công việc này, có thuận lợi là bạn có nhà ở luôn, được bao cả ăn và ngoài ra được trả thêm một khoản tiền để tiêu vặt. Nhưng điều bất tiện là bạn không có nhiều thời gian tự do dành cho bạn.
+ “Occasionnel” (trông buổi tối) : thường thì bố mẹ bọn trẻ sẽ cần đến bạn vào buổi tối khi họ có hẹn ăn uống hoặc đi xem phim, ca nhạc (từ 20h-24h). Bạn thực chất chỉ đến để trông nhà cho họ vì bọn trẻ thường là đã hoặc chuẩn bị đi ngủ khi bạn đến. Lương bạn đươc trả cho việc này thường cao hơn so với những việc khác nhưng công việc này không thường xuyên.
+ « Vacances » (kì nghỉ) : gia đình bọn trẻ cần bạn đi cùng đến các tỉnh khác nơi họ đến du lịch. Cũng có thể chỉ có bạn đi cùng bọn trẻ đến một vùng quê nơi ông bà chúng sống còn bố mẹ chúng sẽ ở lại thành phố làm việc và chỉ đến đó vào những ngày cuối tuần.
2. Công việc nhà hàng
Bạn sẽ làm việc trong 1 nhà hàng (Việt Nam, nước ngoài) hoặc trong 1 cửa hàng thức ăn nhanh (Mc Donald, Quick, KFC). Đặc trưng của từng công việc là:
+ Serveur (bồi bàn, tiếp viên): bạn cần nhanh nhẹn và có khă năng thu xếp vị trí ngồi cho khách thật tốt. Trong các cửa hàng ăn nhanh, công việc thường sẽ là bán đồ ăn tại quầy, chuẩn bị đồ ăn hoặc dọn dẹp.
+ “Aide de cuisine” (phụ bếp) : công việc này khá nặng nhọc nên thường thích hợp với các bạn trai hơn.
+ “Vendeur” ( bán hàng) : Bạn sẽ được học kĩ nãng sử dụng máy tính và khả nãng giao tiếp với khách hàng ở đó khi bắt đầu công việc.
+ “Livreur” (shipper giao hàng) : công việc này dành cho các bạn trai, vì người làm công việc này sẽ phải sử dụng xe gắn máy (phân khối nhỏ) giao hàng tận nhà cho khách hàng (pizza, sushi).
3. « Caissier(ère) » (thu ngân ở siêu thị)
Công việc này khá ổn định và không quá nặng nhọc, thường thì các bạn nữ được ưu tiên hơn khi người chủ tuyển nhân viên. Công việc này bạn nên đặt hồ sơ xung quanh các siêu thị nơi bạn sống sẽ được để được ưu tiên hơn so với những người ở xa.
4. « Réception » (tiếp tân khách sạn)
Bạn sẽ nhận đặt phòng của khách, thu xếp phòng cho khách, đón tiếp khách thật chu đáo cho đến lúc họ rời khách sạn (có khi phải trực khách sạn buổi đêm). Công việc này vào kì nghỉ hè khi có nhiều khách du lịch, bạn rất dễ kiếm. Như vậy các bạn có thể làm việc cả ngày (temps complet 35h/semaine) → trong năm học không phải đi làm nữa.
5. « Femme de ménage » (người dọn nhà)
Bạn sẽ làm việc 1 – 2 lần/tuần đối với nhà riêng và có thể hàng ngày đối với các khách sạn (tùy theo khả nãng của bạn), công việc này thường được trả lương cao hơn so với các công việc khác. Do ngay trong từ ngữ nói về việc này người Pháp họ đã dùng chữ « femme » chỉ người phụ nữ nên công việc này thường chỉ dành cho các bạn nữ.
6. Công việc hè
Hái quả (bạn đến các vùng trồng nho làm rượu hoặc trồng những cây hoa quả làm mứt « confiture»), bán hàng… : với tất cả các công việc trong dịp này, bạn sẽ được làm trong thời gian tối đa quy định (35h/tuần) dành cho sinh viên. Có một số công viêc khác : bán hàng cho các cửa hàng di động ở Disneyland, trực điện thoại, nhân viên trong các cửa hàng rửa ảnh, đi phát tờ rơi.
Trích cẩm nang Du học Pháp của Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (WWW.UEVF.ORG)