Nghĩ Mỹ là thiên đường nên qua Mỹ bằng mọi giá, 15 năm ở Mỹ, có mọi thứ tôi chỉ mong được quay về Việt Nam
Trước tôi nghĩ Mỹ là thiên đường và phải tới bằng được, giờ đang là nha sĩ, có cơ ngơi ở đó, tôi lại mong ngày về”, anh Jason Pham viết.
Tôi qua Mỹ 15 năm trước với giấc mộng đẹp. Ước mơ đến Mỹ bắt đầu từ khi tôi học tiểu học. Hồi đó, gia đình có điều kiện kinh tế, tôi được đầu tư cho học hành, tiếp xúc với những sách báo, phim ảnh nước ngoài khá sớm. Sau này, so với mặt bằng chung của người Việt Nam, tôi khá giỏi tiếng Anh và luôn là học sinh ưu tú của trường.
Càng lớn, tôi càng ngày đêm mong mỏi được đi Mỹ. Tôi ước mơ trở thành nha sĩ, bác sĩ nhưng chuyện đó là không thể khi ở Việt Nam vì tôi biết khả năng thi cử của mình. Tôi rất ghét học vẹt. Tôi thích học rộng, học hiểu và ứng dụng. Trong tâm trí tôi, nước Mỹ là thiên đường, là nơi sẽ cho tôi cơ hội để làm những gì mình muốn.
Khi đang học Đại học Mở TPHCM năm thứ 4, có cơ hội sang Mỹ, tôi không chần chừ đi ngay. Qua tới nơi, tôi choáng ngợp với điều kiện vật chất xứ người. Tuy nhiên, cảm giác hụt hẫng là rất lớn vì sự phân biệt đối xử, nhất là rào cản ngôn ngữ và chủng tộc. Nhiều người Mỹ bản xứ có thái độ ra mặt khi thấy mình không rành tiếng Mỹ hoặc phát âm không chuẩn.
Tôi nhớ như in thời gian mình làm cho một nhà hàng trước khi đi học lại. Vốn được gọi là “công tử”, không mó tay vào việc gì, giờ tôi đứng từ 9h sáng tới 9h tối phục vụ, chỉ nghỉ 5-10 phút ăn trưa. Không chỉ chân tay mỏi rã rời, tôi còn bị khách hàng và quản lý coi thường vì họ nghĩ tôi chỉ là một người ít học vừa chân ướt chân ráo tới Mỹ. Lúc đó tôi tự hứa một ngày nào đó sẽ thành công để không ai có thể cười vào mặt mình. Tôi học ngày, học đêm gần tám năm trời liên tục để rồi tốt nghiệp trong tốp 3 của trường nha khoa. Một kết quả mà tôi rất tự hào.
Bây giờ tôi đang hành nghề nha khoa và được gọi là bác sĩ. Tuy nhiên, có một sự thật là, nếu ra đường, người Mỹ, nhất là người da trắng, không biết tôi là bác sĩ, họ vẫn đối xử với tôi như trước đây. Trong con mắt họ, màu da, cách phát âm có chất giọng địa phương của tôi cho họ cái quyền trên cơ và tỏ thái độ với tôi. Rất nhiều lần, tôi thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách nói chuyện và thái độ khi họ biết tôi là bác sĩ nha khoa. Ngay cả khi đi máy bay, có lần tôi ngồi ghế hạng nhất chung với những người Mỹ da trắng khác nhưng khi phục vụ, tôi bị xem như “con rơi”. Nhiều người còn giễu cợt khi nghe tôi phát âm sai mà họ đâu biết học vị của tôi. Chính những điều đó tạo nên một rào cản vô hình.
Trước đây tôi cứ nghĩ khi mình rành tiếng Anh, có địa vị, có nhà, có xe, có sự nghiệp thì tôi sẽ có cảm giác nước Mỹ là nhà của mình. Nhưng thực tế không phải vậy. Tôi vẫn chưa có cảm giác đó. Vừa rồi khi có dịp về lại Việt Nam, sống ở miền Trung và Sài Gòn, mặc dù cuộc sống vật chất không bằng bên Mỹ, nhưng tôi luôn có cảm giác là nhà. Cái sự mộc mạc trong cuộc sống và cách đối xử gần gũi giữa người với người trong xã hội mới cho tôi cảm giác mình thuộc về nơi này, ấm cúng và thân thuộc vô cùng.
Khi về lại Mỹ, tôi thấy rất nhớ cuộc sống ở Việt Nam. Tôi không thể về Việt Nam sống bây giờ vì đang trong giai đoạn gây dựng sự nghiệp. Thực tế là, một khi đã có cơ ngơi, sẽ rất khó để làm lại từ đầu vì cuộc sống như cái guồng máy, vào rồi thì khó thoát ra.
Cuộc sống của tôi hiện tại rất ổn định. Có nhà cửa và thu nhập cao. Tôi lên kế hoạch sẽ về Việt Nam khi sự nghiệp vững vàng. Thực ra, suy nghĩ hướng về Việt Nam không phải của riêng tôi mà là suy nghĩ của nhiều người lớn lên ở Việt Nam và sang Mỹ định cư một thời gian dài. Cuộc sống ở Mỹ rất vất vả. Bạn phải làm ngày làm đêm để trang trải các hoá đơn vì càng văn minh bao nhiêu, càng nhiều luật lệ và nhiều thứ phải chi. Bạn càng kiếm được nhiều tiền thì bạn càng có nhiều thứ phải trả.
Tôi luôn cám ơn nước Mỹ vì đã cho tôi cơ hội được thành công, vì tôi biết rằng, với cách học và khả năng học của mình, tôi chỉ có thể vào được trường nha ở Mỹ vì tôi không giỏi học thuộc lòng hay giải toán và các môn khoa học cực kỳ phức tạp của đề thi Việt Nam. Trải qua nhiều thứ, tôi thấy cuộc sống vật chất đầy đủ là rất quan trọng. Tuy nhiên, tới một giới hạn nào đó, khi đã đủ ăn, đủ mặc, thì cuộc sống tinh thần mới là thứ làm cho người ta hạnh phúc. Cuộc sống vật chất ở Việt Nam bây giờ đã rất là đầy đủ. Không hào nhoáng như ở Mỹ, nhưng có sự cân bằng với cuộc sống tinh thần.
Nếu các bạn trẻ có ước mơ lớn, và nếu biết rằng ước mơ không thể thành hiện thực khi ở Việt Nam như tôi, các bạn nên tìm cơ hội đi nước ngoài. Khi đi nước ngoài, các bạn nên nghĩ đi là để học, để thành công, và để trải nghiệm. Nếu chỉ để trải nghiệm thôi thì chưa đủ, mà phải coi đây là cơ hội học hỏi để có thành công. Nếu không thành công, các bạn sẽ rơi vào tình huống tuổi trung niên ập đến mà vẫn thấy mình không thuộc về nơi này, sự nghiệp, tiền bạc lại không có, muốn về Việt Nam cũng không được.